Theo lời giới thiệu của huyện đoàn Hạ Hòa, chúng tôi tới thăm mô hình làm kinh tế tổng hợp VACR của gia đình anh Vũ Trọng Hữu ở khu 2, xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ song anh là người mạnh dạn dám nghĩ dám làm đưa giống cây xoan lõi đỏ vào trồng tại địa phương. Đây là giống cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao, bước đầu cây phát triển tốt theo đúng mong đợi của anh và gia đình.
Sau khi học xong THPT, anh cùng bạn bè đi làm ăn tận Bình Phước. Ở đó anh làm công nhân trong các vườn cây trồng cao su, xoài, cam, quýt,… nhưng thu nhập thấp nên năm 2013 anh trở về quê hương với vốn kiến thức và kinh nghiệm học hỏi được về địa phương phát triển kinh tế gia đình. Trên diện tích 2,5 ha đất đồi rừng của gia đình, anh đã trồng được 2.700 gốc xoan lõi đỏ.
Khi được hỏi về giống cây này, anh chia sẻ: “Muốn có giống cây tốt, đảm bảo thân cây tròn, thẳng và đẹp thì khâu chọn giống rất quan trọng. Chọn cây lấy giống là những cây xoan lõi đỏ, cây to, thẳng và lá đẹp. Vào tháng 10 hàng năm khi quả xoan ngả màu vàng thì hái quả về ngâm nước 3 ngày, 3 đêm, rồi đem sát sạch vỏ, phơi khô, làm bầu có đường kính từ 10 – 12 cm rồi cho hạt vào bầu, phủ đất lên trên. Một tháng sau, cây xoan non nở ra. Khi thân cây cao khoảng 20 cm thì đem ra trồng”.
Sở dĩ anh phải tự tay tạo giống bởi theo anh, như thế vừa chọn được giống cây tốt theo ý mình lại vừa tiết kiệm được chi phí. Như gia đình anh hiện nay đã tiết kiệm được gần 20 triệu đồng tiền mua giống. Nhờ có sự tâm đắc với cây trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đến nay, sau 2 năm cây xoan lõi đỏ trong vườn nhà anh đã cao từ 7 – 10 m, cây nào cây ấy thẳng tắp, đều cây và rất đẹp. Trung bình mỗi cây có chu vi 30 cm, đường kính từ 10 – 12 cm. Dự định sau 5 năm nữa sẽ cho thu hoạch trên 1 tỷ đồng.
Vườn xoan lõi đỏ của gia đình anh Hữu
Về thị trường tiêu thụ anh cho biết, riêng đối với xoan lõi đỏ thì hiện nay trên thị trường rất ít bán. Xoan có thể tiêu thụ dễ dàng ở trong nước và xuất khẩu nên anh không ngại đầu ra.
Về cách chăm sóc cho cây xoan lõi đỏ, anh đã tự tìm tòi, học hỏi trên sách báo, và từ kinh nghiệm tích lũy được từ nhiều năm nay. Khi bắt đầu trồng cây từ bầu ra đất thì bón lót bằng phân chuồng hoai mục, sau đó chỉ cần bón một lần NPK vào tháng 1 hàng năm. Về sâu bệnh, đa số là bọ xít, sâu cuốn lá lúc xoan dưới 2 tuổi, chỉ cần dùng thuốc phun là được. Còn từ năm thứ hai trở đi phải quét vôi cho cây, mỗi cây quét vôi cao 2 m vòng quanh cây để chống nấm, như vậy cây sẽ kháng được bệnh tật và phát triển tốt.
Khi được hỏi về thời gian cây xoan sinh trưởng và phát triển đến tuổi thu hoạch cũng phải 7 năm, như vậy trong thời gian ấy anh đã lấy ngắn nuôi dài như thế nào. Anh hồ hởi chia sẻ: “Sở dĩ tôi quyết định trồng xoan mà không phải giống cây trồng khác là vì tôi tận dụng được đất phía dưới gốc cây để trồng chè. Điều đặc biệt là xoan tạo bóng mát cho chè và chè tạo độ ẩm cho đất giúp xoan phát triển tốt”.
Hiện nay gia đình anh có 2 mẫu chè, mỗi năm cũng thu được trên 20 triệu đồng từ chè búp tươi. Ngoài ra anh còn nuôi gần 100 con lợn thịt, trừ mọi chi phí thu về hơn 70 triệu đồng, hàng trăm con gà, vịt; 5 ha đầm nuôi thả cá với các giống cá chủ yếu như mè lai, mè trắng, chép, rô phi đơn tính. Riêng cá anh chọn cách nuôi lâu dài, cứ ba năm anh mới thu hoạch một lần. Năm nay là đến thời điểm thu hoạch. Vừa rồi anh đã bán được gần 20 tấn cá các loại, thu trên 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí cũng còn lãi hơn 300 triệu đồng. Như vậy tính trung bình trong ba năm qua trang trại tổng hợp của gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Anh còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập từ 5– 6 triệu đồng/người/tháng.
Với cách thức làm ăn lấy ngắn nuôi dài hiệu quả, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Vũ Trọng Hữu là điển hình về sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế gia đình, không những làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Với niềm đam mê trồng trọt, lại tích cực đưa giống cây trồng mới về địa phương phát triển kinh tế, hy vọng rằng anh sẽ thành công trong tương lai không xa, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.