- Để nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm trên thị trường, người dân xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể cho nhãn hiệu ghẹ lột Cầu Đá.
Đây là cơ sở để mở ra hướng phát triển mới cho loại hải sản này trong thời gian tới.
Ghẹ lột Cầu Đá Kiên Lương từ lâu nổi tiếng ngon ngọt, nhiều dinh dưỡng được xếp vào loại hải sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong nước ưa chuộng. Tuy nhiên, những năm qua việc khai thác, tiêu thụ ghẹ của người dân vẫn còn mang tính nhỏ lẻ. Đây cũng chính là nguyên nhân để cho thương lái tìm cách ép giá, làm giảm giá trị kinh tế của ghẹ lột Cầu Đá vốn nổi tiếng từ lâu trên thị trường.
Ông Tô Minh Hải, ngụ xã Bình An, huyện Kiên Lương, là người có kinh nghiệm nuôi cho biết, ghẹ lột ngoài tự nhiên hiện nay tương đối hiếm. Cứ khoảng 20 - 30 kg ghẹ thường khi đánh bắt, chỉ chọn được 1 kg ghẹ lột nuôi thương phẩm. Thế nhưng giá bán thấp hơn so với chi phí đầu tư và công chăm sóc. Ông Hải cho rằng, hiện nay giá thu mua từ biển 1 kg dao động từ 100.000 - 120.000 đồng, nhưng khi ghẹ lột ra “dưỡng” 1 kg cũng chỉ bán được 160.000 - 180.000 đồng, trong khi chi phí lại cao như: mua nước mặn trữ, điện... Đó là chưa kể phải thức khuya để “canh” cho ghẹ lột ra để vớt lên, nếu chậm trễ nó sẽ cứng lại như ghẹ thường thì lỗ thêm.
Trước thực trạng đó, để nâng cao giá trị thương phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, người dân trong xã Bình An tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho thương hiệu ghẹ lột Cầu Đá Kiên Lương. Việc xây dựng thương hiệu sẽ đảm bảo nâng cao giá thành, ổn định thị trường tiêu thụ để nghề này được tiếp tục duy trì và phát triển tại địa phương.
Hiện nay, tại xã Bình An và ấp Hòn Chông có trên 10 hộ nuôi ghẹ lột. Trung bình mỗi ngày bán ra thị trường từ 400 - 500 kg. Nghề nuôi ghẹ lột đã phát triển tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Từ hiệu quả trên, tới đây chính quyền xã Bình An sẽ quy hoạch và hướng dẫn khai thác, chế biến nghề ghẹ lột bằng hình thức liên kết tập thể nhằm nâng cao chất lượng, tăng thu nhập nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương.
Ông Trịnh Công Lịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An, huyện Kiên Lương cho biết, sản phẩm ghẹ lột được công nhận nhãn hiệu tập thể sẽ rất thuận lợi cho người dân. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ vận động người dân phát triển ngành nghề này để tăng thu nhập, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho du khách về tham quan thắng cảnh hòn Phụ Tử trên địa bàn xã Bình An./