Giống mới nào phù hợp?
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống và cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa chính là một phần của câu trả lời. Thực hiện kế hoạch công tác khuyến nông năm 2017, Sở NN-PTNT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông xây dựng các mô hình trình diễn với cây lúa.
|
Máy gặt đập liên hợp giải phóng sức lao động, phục vụ sản xuất hàng hóa
|
Cụ thể, mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng với quy mô 200ha, triển khai ở 15 điểm của 10 huyện. Tham gia trình diễn là các giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn tương tự như Khang dân 18 nhưng có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, có tính thích ứng rộng, cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn đó là Kim cương 111, VT-NA2, Đại Dương 2, J02, Nếp thơm Hưng Yên. Mô hình đưa cơ giới hóa trong sản xuất lúa bằng dây chuyền gieo mạ khay tự động (3 dây chuyền), máy gặt đập liên hợp (7 máy), máy cấy lúa (4 máy).
Đối với mô hình trình diễn các giống lúa mới được hỗ trợ 100% giống; 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ; Đối với các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa được hỗ trợ 50% giá máy, thiết bị nhưng không quá 75 triệu đồng/1 máy.
Qua theo dõi đánh giá các giống lúa mới, về năng suất đều cho cao hơn so với đối chứng từ 2,3 - 18,2 tạ/ha, riêng giống Kim cương 111 cho năng suất cao nhất, trung bình 66,8 tạ/ha, cao hơn so với đối chứng trên 10 tạ/ha. Về chất lượng gạo, cơm đều được đánh giá ngon hơn so với đối chứng, đặc biệt là 3 giống lúa J02, Đại Dương 2, Nếp thơm Hưng Yên. Về hiệu quả kinh tế đều cao hơn so với Khang dân 18 từ 4.087.000 – 15.341.000 đồng/ha, đặc biệt là 2 giống Nếp thơm Hưng Yên và J02 với giá bán cao, nên đã đem lại hiệu quả vượt trội cao gần gấp 2 lần so với đối chứng.
Cơ giới hóa đồng bộ, vì sao lan chậm?
Nông dân muốn bỏ trồng lúa không chỉ bởi hiệu quả thấp mà còn bởi quá vất vả, nặng nhọc so với các ngành nghề khác. Xác định được mấu chốt đó, từ kết quả đạt được về áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa những năm qua, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập trung hỗ trợ vào các khâu có tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp như cơ giới hóa khâu gieo cấy và khâu thu hoạch nhằm từng bước mở rộng áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Với các loại máy của hãng Kubota Nhật bản, cơ bản là phù hợp với điều kiện cấy hái của Hà Nội, giảm bớt tối đa công lao động nhọc nhằn, nâng cao năng suất lao động.
Cụ thể, với dây chuyền gieo mạ khay tự động, năng suất trung bình 1 giờ gieo được 500 khay, cấy được cho 2ha, nếu 1 ngày gieo trong 8 giờ thì được 4.000 khay, cấy được 16ha. Đưa dây chuyền gieo mạ khay tự động vào sản xuất để thúc đẩy cơ giới hóa khâu cấy lúa bằng máy, nhằm giải phóng sức lao động cho chị em phụ nữ, đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, giảm được áp lực thuê mướn nhân công trong lúc thời vụ, giảm chi phí cho người trồng lúa từ 1,5 - 2,0 triệu đồng/ha, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Máy cấy, với máy cấy 4 hàng, trung bình 1 ngày cấy được 1ha, tương đương 30 người cấy lúa theo truyền thống. Với máy cấy 6 hàng, trung bình 1 ngày cấy được 3ha, bằng 90 người cấy theo truyền thống. Cấy bằng máy do được cấy mạ non, cấy nông, cấy thưa nên lúa đẻ sớm, đẻ khỏe, tập trung, bông lúa to, dài, cho năng suất cao hơn lúa cấy theo truyền thống từ 10 - 15%, giảm chi phí cho người sản xuất từ 2,5 - 3,0 triệu đồng/ha.
Mặt khác do cấy thưa, ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh, giảm chi phí mua thuốc BVTV, giảm công phun thuốc, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt cấy lúa bằng máy giúp nâng cao được nhận thức cho người nông dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nâng cao vai trò dịch vụ của HTXNN, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.
Máy gặt đập liên hợp Kubota DC 70 cho năng suất gặt trung bình được 3,0ha/ngày/10giờ, tỷ lệ hao hụt thấp, giảm chi phí cho người sản xuất so với gặt lúa thủ công, tuốt bằng máy phụt từ 3,0 - 4,0 triệu đồng/ha. Mặt khác thu hoạch bằng máy thời gian thu hoạch được rút ngắn, không bị áp lực của thời tiết và đặc biệt là rơm rạ được rải đều trên ruộng, không gây cản trở giao thông, trả lại cho đất một nguồn phân hữu cơ đáng kể, đáp ứng được yêu cầu phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Như vậy nếu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch thì ngoài việc tăng lợi nhuận cho các chủ máy, chi phí sản xuất của người trồng lúa cũng giảm được từ 7,0 - 9,0 triệu đồng/ha (30 - 50%) so với sản xuất theo phương pháp thủ công. Mặt khác thời gian lao động được rút ngắn, lao động dôi dư chuyển sang làm việc khác, đem lại thu nhập đáng kể cho người lao động.
Tuy lợi thế như vậy, nhưng cơ giới hóa đồng bộ hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng ở Thủ đô. Ví dụ như ở huyện Thạch Thất mô hình khuyến nông này mới chỉ được áp dụng ở phạm vi khoảng 50ha/vụ trong khi tổng diện tích cấy của huyện là 4.500ha/vụ. Một phần bởi được chuyển giao từng công đoạn một như máy cấy đưa vào 2012, dây chuyền mạ khay 2014, máy gặt đập liên hợp 2015. Một phần bởi cơ giới hóa đồng bộ cần ruộng đồng lớn trong khi sau khi dồn điền đổi thửa, ruộng đồng của bà con vẫn còn nhiều manh mún, khó cho máy móc xuống đồng, khó cho cấy cùng giống, gặt cùng trà. Cấy máy rất thưa nên với thói quen cấy dầy sẵn có, dân trông chưa quen mắt.
Mạ khay máy cấy sở dĩ khó vào nhanh như máy gặt liên hợp bởi phụ thuộc vào kỹ thuật làm mạ và kỹ thuật lái máy phức tạp hơn nhiều. Mạ phải chuẩn, lái máy phải thật đều trong khi đó người sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo hoặc trang bị những kiến thức cơ bản, nên quá trình thực hiện gặp khó khăn. Nhiều nơi chưa chủ động được giá thể, chưa tuân thủ nghiêm qui trình kỹ thuật, mạ gieo không đều, khi cấy bị mất khoảng, số dảnh cấy không đều, tốn công tỉa dặm nên không chứng minh tính ưu việt của phương pháp mới. Chưa có cơ sở dịch vụ sửa chữa tại chỗ nên đôi khi gặp sự cố nhỏ, không khắc phục được kịp thời, nên ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất…