Vụ xuân này, lần đầu tiên bà con thôn Quang Hiển, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang thành lập hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên cơ sở cùng góp đất, góp vốn xây dựng nhà màng với diện tích hơn 1,4ha. Hầu hết các loại rau như dưa bao tử, rau cải, cà chua... đã được thu hoạch, năng suất cao.
|
Trồng rau trong nhà màng tại xã Quang Thịnh (Lạng Giang)
|
Bà Nguyễn Thị Hằng, người dân trong thôn nói: “Nếu không phòng trừ kịp thời, rau xanh thường bị bọ ăn lá. Năm nay tôi trồng trong nhà lưới, rau không bị sâu nên tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, sức khỏe người chăm sóc được bảo đảm do không phải tiếp xúc với thuốc hóa học”.
Điển hình dễ thấy nhất là dưa bao tử. Đây là cây trồng thường xuyên phải dùng thuốc trừ sâu bệnh nếu trồng thông thường. Khi SX trong nhà màng, tuy không dùng thuốc song dưa vẫn khỏe mạnh, bộ lá xanh đen, quả sai, đều. Đến thăm vùng trồng, một số cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp khẳng định, dưa được mùa riêng bởi nhiều nơi mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết.
Ngoài ít sâu bệnh, người dân còn có thể trồng một số cây trái vụ khi có nhà màng như xà lách tím, bắp cải tím hay cà chua... Ông Hoàng Văn Trịnh, Chủ tịch UBND xã Quang Thịnh cho biết: “Mái che cộng với hệ thống tưới phun mưa sẽ giảm lượng ánh sáng, nhiệt độ nên thời tiết ít tác động trực tiếp đến cây trồng. Do đó, trong nhà màng vẫn trồng được một số giống cây trái vụ vốn chỉ phù hợp với khí hậu ôn đới”.
Cũng có nhiều ưu điểm, phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) đã giúp nông dân dần thay đổi nhận thức về cấy lúa. Chân ruộng lúa không phải lúc nào cũng có nước mà đôi khi để cạn, nứt chân chim, nhất là thời kỳ lúa đẻ nhánh rộ.
Ông Đặng Văn Tặng, Trưởng phòng Kỹ thuật tổng hợp, Sở NN-PTNT Bắc Giang thông tin: “Canh tác theo SRI không những giảm lượng giống, phân bón, công lao động mà còn tiết kiệm 20% lượng nước so với cách làm truyền thống. Do vậy, chúng tôi tiếp tục tập huấn, khuyến cáo nông dân mở rộng mô hình này”.
Với những lợi thế ấy, nông dân huyện Yên Dũng áp dụng hàng nghìn ha lúa thâm canh SRI, chiếm khoảng 70% tổng diện tích gieo cấy của huyện. Được biết trong bối cảnh nguồn nước phục vụ SX ngày càng khó khăn, nguy cơ hạn xảy ra ở nhiều nơi, canh tác lúa SRI được chú trọng tại một số địa bàn khan hiếm nước như ở các xã Đông Phú (Lục Nam), Tân Thịnh (Lạng Giang), Tân Hiệp (Yên Thế) ở vụ mùa năm 2016 và cho kết quả cao.
Những mô hình trên đã phần nào giảm được tác động của thời tiết. Tuy nhiên, biện pháp kỹ thuật mới chủ yếu áp dụng trên lúa, rau và chiếm tỷ lệ nhỏ so với cơ cấu cây trồng của tỉnh. Trong khi đó, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến SX. Mới đây nhất là vải thiều toàn tỉnh tỷ lệ ra hoa, đậu quả chỉ đạt khoảng 40%. Trước đó, tình trạng hạn hán xảy ra ở nhiều nơi, hồ chứa nước, sông suối nhỏ cạn kiệt, cây trồng héo khô. Dự báo, tình trạng này tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng tiêu cực đến SX trong những năm tiếp theo.
Trước thực tế này, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã rà soát, xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, lập quy hoạch để bố trí, định hướng cây trồng phù hợp với chất đất, khí hậu. Với khu vực miền núi ưu tiên phát triển kinh tế rừng, cây ăn quả; xã vùng thấp tập trung vào mô hình rau, hoa ứng dụng công nghệ cao (CNC). Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến ứng dụng CNC vào nông nghiệp được áp dụng.
Hiện, toàn tỉnh có gần 30 mô hình nhà lưới, nhà kính, nhà màng được xây dựng, bình quân hơn 1.000m2/mô hình để áp dụng CNC vào SX. Các mô hình này chủ yếu trồng rau, hoa, nấm và sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả.
Ưu điểm lớn nhất của các loại nhà lưới, nhà kính, nhà màng là hạn chế tác động bất lợi của thời tiết. Có mô hình mới đi vào hoạt động và bắt đầu thu được lãi như HTX Hoài Long, xã Bích Sơn (Việt Yên); Cty CP Đầu tư và phát triển nông nghiệp T.Ư, phường Đa Mai (TP Bắc Giang).
Cùng với giải pháp trên, một biện pháp hiệu quả nữa được ngành nông nghiệp chú trọng là chỉ đạo đơn vị chuyên môn khảo nghiệm, chọn tạo bộ giống có khả năng chống hạn, úng. Trung tâm Giống cây trồng Bắc Giang đang nghiên cứu để tìm bộ giống ớt ngọt, lúa chịu nóng, hạn. Khi thành công, những giống này sẽ được nhân rộng tại các xã vùng cao, miền núi.
Bên cạnh đó, biện pháp kỹ thuật cũng là một trong những yếu tố quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ví như một số nông dân của huyện Lục Ngạn đã có biện pháp chăm sóc đặc biệt để vải thiều ra hoa, được mùa quả ở vụ này trong khi đa phần các vườn vải mất mùa. Bởi vậy, cơ quan chuyên môn đã tổ chức đánh giá, từng bước nhân ra diện rộng.