Câu chuyện ngỡ lạ lùng lại đang hiện hữu tại những vùng chuyên sản xuất rau sạch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Nông dân ngủ thẳng cẳng, kỹ sư lo hết
Gặp anh Trần Thiện Thanh (Giám đốc HTX Thiện Thanh, tỉnh Lâm Đồng) trong buổi chiều nhạt nắng của Đà Lạt, anh Thanh rạng rỡ chia sẻ: "Hơn một năm về trước, nhiều nông dân đã tháo chạy khỏi các vườn rau vì làm ăn thua lỗ triền miên. Rau làm ra phải bán đổ bán tháo, chúng tôi nản và không còn ai muốn gắn bó với nghề. Tôi nói thiệt có thể nhiều người không tin, nhưng chỉ khi VinEco xuất hiện, mọi người mới quay lại với đồng ruộng".
Còn anh Nguyễn Thanh Nhàn (nông dân xã Đạ Ròn, tỉnh Lâm Đồng) cho hay, từ chỗ phải bỏ nghề trồng rau sau hàng chục năm gắn bó để đi buôn bán, anh đã quay lại sản xuất.
Anh Nhàn kể: "Nghe anh Thanh và nhiều người nói, cứ về đi, chỉ cần lo làm sạch, trồng sạch thôi. Bán đã có người lo hết. Tôi không tin lắm. Thế nhưng tôi trở về với hai bàn tay trắng, rồi tham gia vào HTX Thiện Thanh cùng 52 nông hộ trong xã. Việc hợp tác với VinEco giúp chúng tôi không phải lo lắng đầu ra cho rau của mình nữa. Cuộc sống gia đình thay đổi rõ rệt. Chúng tôi cứ vậy mà ráng làm thôi. Đôi khi tôi vẫn nghĩ đó là một giấc mơ".
Đời sống của các hộ sản xuất thay đổi nhiều nhờ những mô hình liên kết sản xuất như VinEco
Được quay lại với nghề, anh Nhàn đã mạnh dạn đầu tư làm nhà lưới, nhà kính để cho ra những sản phẩm chất lượng cao. Tổng diện tích vườn rau của gia đình anh hiện lên đến 7 ha, trong đó nhà lưới rộng 1 ha và nhà kính 1 ha. Có nguồn thu nhập cao từ các vườn rau, anh Nhàn còn thuê cả kỹ sư về làm "cố vấn" và chịu trách nhiệm theo dõi trang trại. Ngoài ra, anh thuê thêm 30 công nhân để thu hoạch, sơ chế rau tại chỗ hằng ngày.
Ngồi trò chuyện, anh Trần Thiện Thanh hóm hỉnh nói: "Rau của người ta mà bệnh thì họ mất ăn mất ngủ chứ anh Nhàn cứ ngủ thẳng cẳng. Kỹ sư lo hết rồi"!
Vẫn theo anh Thanh, không chỉ anh Nhàn, trong hợp tác xã hiện giờ, việc nhiều nông dân sở hữu riêng từ 1 đến 2 kỹ sư và hàng chục nhân công là bình thường. Tất cả đều làm việc bài bản chứ không manh mún, cảm tính như trước kia nữa.
Nỗi thất vọng giờ đã thành hy vọng lớn
Từ chỗ mọi người ai cũng tháo chạy khỏi vùng rau để tìm một hướng đi khác, những người như anh Nguyễn Thanh Nhàn đang kéo họ trở lại với cái nghề truyền thống của cha ông. Anh Nguyễn Bảo Long (kỹ sư mới ra trường, người được anh Nhàn thuê) tâm sự: "Nhà em cũng làm nông, học xong em sợ không có việc làm rồi sẽ phải về trồng rau. Không ngờ, em được anh Nhàn nhận vào làm với mức lương cao. Em vui mà ba mẹ cũng vui".
Anh Phạm Đình Vũ (kỹ sư nông nghiệp), người gắn bó hơn 1 năm với anh Nhàn cũng chia sẻ: "Giờ mình là người làm thuê. Người nông dân cần gì mình sẽ đáp ứng. Họ tin tưởng ở mình thì mình phải cố gắng làm sao cho rau của họ đạt chất lượng. Khi đó, cả hai đều có lợi".
Thay vì cách thức canh tác cũ, các hộ sản xuất đã làm quen với những kỹ thuật sản xuất công nghệ cao
Cứ như vậy, từ sáng sớm đến chiều tối, những người nông dân lại cùng các kỹ sư tận tụy qua từng luống, từng góc vườn để chăm sóc những gốc rau. Họ tưới tiêu, chăm bón đúng lúc, thu hoạch đúng thời kỳ. Không người nông dân nào tùy tiện phun thuốc, bón phân bừa bãi. Nỗi lo của họ cũng trở thành nỗi lo của các kỹ sư nông nghiệp. Từ hai thế giới tưởng chừng cách xa, lúc này họ đã gắn kết và đồng hành trên từng mét vuông đất nông nghiệp như hình với bóng.
Thăm những cánh đồng xanh mướt, an toàn bắt đầu trở lại với vùng rau Đơn Dương, Lâm Đồng, GS-TS Nguyễn Quang Thạch (chuyên gia nông nghiệp) chia sẻ, Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất rau sạch. Đây cũng là xu hướng, là mối quan tâm của toàn xã hội. Chỉ cần mọi người tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, các đối tác chuyên nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao như VinEco sẽ tự tìm đến với người nông dân. Người nông dân sẽ không phải lo việc đầu ra cho sản phẩm của mình nữa".
Rõ ràng, sự xuất hiện của VinEco đã góp phần thay đổi cuộc sống của người nông dân Lâm Đồng và những con người xung quanh họ. Đối với họ, cây rau giờ không còn là nỗi ám ảnh mà đã thành niềm hy vọng lớn.