Từ năm 2012, Đảng ủy xã Hưng Thịnh đã có nghị quyết về phát triển cây ăn quả có múi. Đặc biệt, được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện, phong trào trồng cây ăn quả có múi ở địa phương đã được đẩy mạnh. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hưng Thịnh đã tích cực chuyển đổi các diện tích đất đồi rừng trồng chè và các loại cây nguyên liệu giấy như keo, bồ đề có hiệu quả kinh tế thấp để chuyển sang trồng cây ăn quả. Hiện nay ở Hưng Thịnh có trên 300 hộ dân trồng cây ăn quả có múi với các loại giống như cam đường canh, cam sành không hạt, quýt sen, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, chanh tứ thời… Tổng diện tích cây ăn quả có múi của xã đã có trên 160 ha, trong đó gần 90 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Diện tích cây ăn quả của xã hiện được trồng tập trung nhiều ở các thôn Yên Bình, Trực Chính, Trực Khang, Yên Phú.
Gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh là một trong những hộ trồng cây ăn quả có múi lâu năm tại địa phương, anh bắt đầu trồng chanh từ năm 2005. Nhận thấy đất đai, khí hậu tại địa phương phù hợp với cây ăn quả có múi nên gia đình anh Đoàn đã quyết định cải tạo toàn bộ diện tích chè già cỗi và diện tích trồng lúa kém hiệu quả để tập trung trồng các loại cây ăn quả có múi như cam sành, cam đường canh, bưởi diễn, cam V2, chanh tứ thời... Anh Nguyễn Văn Đoàn vui vẻ cho biết: “Diện tích cây ăn quả của gia đình trên 7 ha, trong đó có 2 ha đang cho thu hoạch. Sản phẩm được tư thương đến tận nhà thu mua. Năm trước gia đình tôi thu khoảng 15 tấn cam đường canh và 20 tấn chanh, thu nhập đạt trên 600 triệu”. Năm nay gia đình anh đang bắt đầu thu hái những lứa cam đầu tiên và được thương lái đến mua tận vườn với giá 35.000 đồng/kg, đây hứa hẹn sẽ là mùa quả bội thu của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Đoàn là hộ tiên phong trồng cây ăn quả ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh
Từ những hộ tiên phong trong chuyển đổi cây trồng có hiệu quả như gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn, nhiều hộ trong thôn Yên Bình đã học hỏi và áp dụng để phát triển kinh tế gia đình. Hiện thôn Yên Bình có gần 80 hộ thì có tới 60 hộ trồng cây ăn quả có múi với diện tích trên 80 ha, chiếm khoảng 50% tổng diện tích trồng cây ăn quả toàn xã. Hộ ít cũng trồng từ 200 gốc cam cho thu nhập vài chục triệu đồng, hộ nhiều lên tới hàng nghìn gốc mang lại thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Sản phẩm cam ở đây thường được các thương lái từ Hà Nội và Lào Cai đến tận vườn đặt mua với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg đối với cam Vinh và từ 30.000 - 40.000 đồng/kg đối với cam đường canh. Ông Lê Văn Bằng, trưởng thôn Yên Bình cho biết: “Nhờ trồng cây ăn quả có múi nhiều hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà ở khang trang và đóng góp tích cực để xây dựng thôn, xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Theo ông Nguyễn Gia Hồng, Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh: “Nhờ mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, trồng chè và các loại cây trồng khác sang trồng cây ăn quả có múi nên đến nay, đời sống của người dân xã Hưng Thịnh đã được cải thiện. Định hướng của xã trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng diện tích, tận dụng các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả khác để trồng cây ăn quả có múi. Đồng thời vận động bà con trồng, chăm sóc cây đúng kỹ thuật, đảm bảo tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo và giữ vững uy tín trên thị trường. Hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả của Hưng Thịnh, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân”./.