Từ giống lúa “đóng thế”
Sau khi “kết” Japonica (J02), ông Trần Quốc Thành, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Quế Phong (nay là Giám đốc Sở KH-CN Nghệ An) đã cùng UBND huyện triển khai mô hình thí điểm 2ha tại xã Tri Lễ và Mường Nọc. Các hộ tham gia được được tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV.
|
Japonica J02 tại Quế Phong đem lại cơ hội thoát nghèo cho đồng bào
|
Cùng với mô hình trồng lúa Japonica, việc ứng dụng phân nén, kỹ thuật cấy hàng rộng, hàng hẹp cũng được áp dụng. Mật độ cấy Japonica là 45 - 50 khóm/m2, 2 - 3 dảnh/khóm; cây cách cây 20 - 25 cm; hàng hẹp cách nhau 17 - 20cm và hàng rộng cách nhau 35 - 40cm, cấy nông tay.
Kỹ thuật này giúp cây lúa tận dụng ánh sáng đường biên, phát triển tốt, năng suất cao và dễ dàng áp dụng bón phân dúi cho cây lúa. Sau khi cấy 2 - 3 ngày, đồng bào sẽ bón phân dúi vào giữa 4 khóm thuộc hàng hẹp. Phân dúi tan chậm từ dưới lòng đất, tránh được sự rửa trôi của hệ thống ruộng bậc thang ở miền núi.
Theo khuyến cáo, J02 liền vụ có đặc tính ngủ nghỉ sau thu hoạch nên trước khi làm mạ, phải phá ngủ bằng cách sử dụng axit Nitơric 3 phần nghìn ngâm 12 giờ sau đó đãi sạch, ngâm trong nước 48 giờ. Sau khi vớt thóc phải đãi sạch nước chua, để ráo nước mới được ủ giống. Đồng bào cũng có thể ngâm giống vào nước lân super 10% trong 12 giờ, sau đó đãi sạch nước lân rồi tiếp tục ngâm ủ bình thường. Thời gian ngâm khoảng 60 - 72 giờ, cứ 10 - 12 giờ lại đãi chua và thay nước một lần…
Trước khi cấy, ruộng phải được làm đất kỹ, sạch cỏ dại và các nguồn bệnh trong đất, làm sạch hạt hoặc gốc rạ của lúa vụ trước, bón đầy đủ phân lót theo yêu cầu và san phẳng mặt ruộng để sau khi cấy thuận lợi cho tưới và tiêu nước.
Với J02, phải đảm bảo đủ nước trong quá trình gieo cấy, giữ mức nước khi cấy là 3 - 5cm, sau cấy 3 - 5 ngày giữ liên tục trong thời kỳ đẻ nhánh là 2 - 3cm và không được để thiếu nước trong giai đoạn này...
Một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Quế Phong cho biết, quy trình ngâm ủ giống J02 khá phức tạp nhưng sau nhiều lần tập huấn, đồng bào Thái huyện Quế Phong đã thực hiện rất tốt.
|
Ứng dụng cấy hàng rộng, hàng hẹp giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt
|
Bà Hà Thị Tuyết, bản Ná Ngá, xã Mường Nọc cho biết: “Quy trình ngâm ủ lúa J02 tương đối khó. Thế nhưng, đồng bào vẫn áp dụng thành công. Lúc đầu thì cũng khó làm lắm nhưng làm được vài vụ là biết cách ngâm ủ thôi! Ta thấy kỹ thuật cấy rất quan trọng, vừa để đảm bảo mật độ nhưng cũng phải đảm bảo hàng rộng, hàng hẹp để bón phân dúi nữa. Năm nay nhà ta làm 40 a (4.000m2 – PV) lúa J02. Giống này năng suất cao, gạo ngon, nhà ta cũng chỉ bán một ít, còn lại để ăn! Bản Ná Ngá nhiều nhà làm giống lúa này lắm!”.
Mới đây, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn bộ giống lúa chịu lạnh Japonica, Viện Di truyền Nông nghiệp đã khảo nghiệm diện rộng đối với 6 giống lúa Japonica gồm TBJ2, TBJ3, ĐS1, J01, J02 và QJ4 tại 2 xã Mường Nọc và Tri Lễ, huyện Quế Phong. Trên cơ sở kết quả khảo nghiệm diện rộng, đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã lựa chọn 2 giống lúa J02 và QJ4 là những giống có triển vọng, phù hợp với điều kiện huyện Quế Phong để nghiên cứu về thời vụ trồng và mật độ cấy cho 2 giống lúa chịu lạnh Japonica.
Đến thương hiệu "Gạo thơm Mường Nọc"
Với nhiều đặc điểm ưu việt, diện tích Japonica nhanh chóng được mở rộng, UBND huyện Quế Phong đưa vào cơ cấu bộ giống chủ lực của địa phương. Đến nay, Japonica đã có mặt tại các xã Mường Nọc, Châu Kim, Quế Sơn…
Từ nguồn vốn thuộc chương trình 30a, năm 2014, UBND huyện Quế Phong giao cho Trạm BVTV huyện triển khai Dự án sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao từ sản xuất đến tiêu thụ huyện Quế Phong, giai đoạn 2014 - 2016. Dự án triển khai trong vòng 3 năm với tổng diện tích 750ha lúa J02, tại 3 xã Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong. Người dân tham gia dự án được hỗ trợ 50% giá giống, phân dúi và thuốc BVTV.
Kết thúc dự án, Japonica được đánh giá cho năng suất, chất lượng đạt yêu cầu, sản phẩm làm ra đến đâu được HTXNN Mường Nọc tiêu thụ đến đó. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng gạo J02 bán ra thị trường rất hạn chế do người dân miền núi chủ yếu để sử dụng… Năm 2014, tại Hội chợ Thương mại công nghiệp tổ chức tại TP Vinh, J02 của Quế Phong được nhiều tổ chức đặt mua với số lượng lớn, giá thành 26.000 đồng/kg gạo thành phẩm nhưng không có hàng.
Hiện nay UBND huyện đã xây dựng Dự án sản xuất lúa hàng hóa với diện tích dự kiến 300ha/năm và lấy các giống J02, QJ4 làm chủ lực, ước tính sản lượng lúa hàng hóa hàng năm của huyện 1.700 - 1.800 tấn.
Năm 2015, diện tích lúa Japonica gieo cấy toàn huyện là 257,2ha, năng suất 50 tạ/ha, sản lượng đạt 1.286 tấn, với giá bán bình quân trên thị trường là 10.000 đồng/kg, tổng giá trị ước đạt 12,8 tỷ đồng. Japonica sản xuất trên đất Quế Phong đã được Sở KH-CN Nghệ An trình hồ sơ thủ tục xin Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền thương hiệu Gạo thơm Mường Nọc.
|
Japonica - từ giống “đóng thế” đến thương hiệu "Gạo thơm Mường Nọc"
|
Năm 2016, từ nguồn vốn chương trình 30a, UBND huyện Quế Phong tiếp tục triển khai Sản xuất một số nông sản hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Quế Phong giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu đến năm 2020 diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn là 700ha, sản lượng lúa hàng hóa xuất bán ra thị trường là 3.805 tấn; bố trí những giống lúa có giá trị kinh tế cao, chất lượng gạo tốt phù hợp với nhu cầu thị hiếu của thị trường và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như các giống lúa thuộc dòng Japonica.
Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Đối với Quế Phong, đảm bảo an ninh lương thực đã là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, trong kế hoạch, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bằng được việc đưa Japonica trở thành giống lúa đặc sản mang thương hiệu địa phương. Muốn làm được điều đó, đối với huyện miền núi như Quế Phong, không thể không có tác động của chính sách. Vì thế, một lượng lớn từ nguồn 30a sẽ được tập trung cho việc sản xuất lúa Japonica trên địa bàn. Chúng tôi quyết tâm viết thành công câu chuyện cổ tích trên đất Quế”.
Năm 2016, Bộ KH-CN phối hợp với Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong triển khai mô hình "Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình chuỗi sản xuất lúa J02" trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An, trong đó có Quế Phong.
Đến nay dự án đã triển khai trồng được trên 200 ha. Các hộ thụ hưởng dự án được cấp giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật với giá trị 25 triệu đồng/ha. Dự án sẽ kết thúc vào năm 2019, các hộ tham gia được hỗ trợ giống và bao tiêu thóc tươi tại chân ruộng với giá 7.000 đồng/kg.
Mục tiêu của dự án không chỉ dừng lại ở việc giúp đồng bào miền núi các huyện miền Tây Nghệ An tiếp cận kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, đảm bảo an ninh lương thực mà còn hướng tới xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Quế Phong, xuất bán ra thị trường theo hình thức liên kết chuỗi.