Bản chất của virus gây bệnh Dịch tả Châu Phi không tự lây lan, phát tán nhanh so với một số mầm bệnh khác như virus gây bệnh Lở mồm long móng, Lợn tai xanh, Dịch tả lợn cổ điển, nhưng lại gây chết với tỷ lệ rất cao, lên đến 100% lợn nhiễm bệnh. Bệnh dịch tả Châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ tháng cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ (bao gồm: Bun-ga-ri, Trung Quốc, Cote D'Ivoire, Séc, E-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Kê-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Môn-đô-va, Ni-giê-ri-a, Phần Lan, Ru-ma-ni, Liên bang Nga, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a) báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Cũng theo OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 10/9/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân hai nước, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc) cũng có thể đưa virus bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Hiện nay diễn biến bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng phức tạp, lây lan ở nhiều nước. Tại Trung Quốc, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã lây lan dần về phía Nam, tiến đến các tỉnh gần biên giới với Việt Nam.