Dù vậy, vụ đông 2018, Vĩnh Phúc vẫn đặt ra mục tiêu trồng 19.000ha, phấn đấu đạt giá trị SX trên 1.200 tỷ đồng. Đây là mục tiêu không hề dễ dàng!
Diện tích giảm dần
Ông Đinh Xuân Thường, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt & BVTV Vĩnh Phúc cho biết, từ lâu, địa phương này có truyền thống SX cây vụ đông quy mô lớn và chất lượng cao. Trong số các tỉnh phía Bắc, Vĩnh Phúc luôn nằm trong top có diện tích SX vụ đông lớn nhất nhì.
|
Hướng dẫn người dân làm vụ đông
|
Tuy nhiên, khi các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển như vũ bão… ngành nông nghiệp nói chung cũng bị ảnh hưởng. Minh chứng rõ nhất, diện tích đất dành cho SXNN, đặc biệt cây vụ đông ở địa phương này đang giảm theo từng năm. Vụ đông năm 2017, toàn tỉnh gieo trồng được 17.748ha rau màu các loại, đạt 86,5 kế hoạch đề ra. So với vụ đông 2016, diện tích này đã giảm khoảng 990ha. Giảm mạnh nhất là diện tích trồng ngô và đậu tương, chiếm khoảng 760ha. Dù vậy, tổng giá trị SX vụ đông 2017 của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Thường, năm 2018 Vĩnh Phúc đặt ra chỉ tiêu SX hơn 19.000ha cây vụ đông và phấn đấu đạt giá trị kinh tế trên 1.200 tỷ đồng. Như vậy, dù trong xu hướng giảm diện tích, địa phương này vẫn kỳ vọng mục tiêu cao hơn các năm trước. Trong kế hoạch, Vĩnh Phúc sẽ trồng khoảng 10.000ha ngô, 9.000ha rau màu các loại. Riêng cây ngô, khoảng 50% diện tích sẽ được trồng các giống ngô chuyển gen. Việc này đã được Vĩnh Phúc thực hiện liên tục trong 4 vụ vừa qua.
Năm 2017, Vĩnh Phúc đã cho triển khai hỗ trợ trồng ngô chuyển gen ở tất cả các huyện, thành phố với 2 giống là NK 4300 Bt/GT và NK 66 Bt/GT, quy mô 5.118ha. Mỗi ha ngô chuyển gen, người dân được hỗ trợ 2,8 triệu đồng. Trong đó, người dân sẽ phải đối ứng 30% giá ngô giống từ đầu vụ.
Những giống ngô này cho năng suất cao, đạt 53 - 55 tạ/ha, cao hơn giống ngô thường từ 6,0 - 8,2 tạ/ha trong cùng điều kiện canh tác. Sau khi trừ chi phí, cho lãi từ 12 - 13 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, mới đây, đầu vụ đông vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định ngừng hỗ trợ SX các loại ngô chuyển gen. Theo ông Thường, qua nắm bắt thông tin từ các huyện, người dân vẫn quyết tâm SX, dù tỉnh không hỗ trợ. Một số huyện thì kiến nghị được bổ sung hỗ trợ vào cuối vụ nếu người dân vẫn trồng.
|
Dù diện tích ngày một giảm, Vĩnh Phúc vẫn kỳ vọng vào một vụ đông nghìn tỷ
|
Trồng ngô với diện tích tương đối nhiều, nhưng theo ông Thường, người nông dân ở Vĩnh Phúc chưa bao giờ phải lo đầu ra. Với loại ngô sinh khối, người dân sẽ thu sớm từ 30 - 40 ngày, chặt sát gốc để bán tươi hoặc băm nhỏ, ủ lên men bán cho các đơn vị chăn nuôi bò sữa như Vinamilk, Mộc Châu hay vùng Duy Tiên (Hà Nam). Giá mỗi kg ngô sinh khối dao động 800 - 1.000 đồng/kg. Loại thứ hai là ngô lấy hạt, người dân chủ yếu dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Còn về các loại rau, ông Thường khẳng định, việc giá cả có năm bấp bênh hay dư thừa là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu người dân tuân thủ kỹ thuật, trồng theo quy hoạch ban hành thì sẽ giảm thiểu thiệt hại. Ngay tại Vĩnh Phúc có hai vùng chuyên thu mua nông sản cho người dân là Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường) và Minh Tân (huyện Yên Lạc) để xuất đi Hà Nội, thậm chí Trung Quốc nên đầu ra không quá khó khăn.
Nhắm vào cây trồng giá trị cao
Những ngày qua, thời tiết nắng ráo, nông dân Vĩnh Phúc tập trung ra đồng thu hoạch lúa mùa. Tới nay, khoảng 80% diện tích đất hai lúa đã được giải phóng để trồng cây vụ đông. Một số huyện như Tam Dương, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc… đã vào guồng SX.
Ông Trần Xuân Lộc, cán bộ nông nghiệp xã Tề Lỗ (huyện Yên Lạc) cho biết, hiện đang rốt ráo vận động người dân xuống đồng trồng cây vụ đông. Dù Tề Lỗ nổi tiếng có nghề mổ xe, buôn bán phế liệu, nhưng bà con vẫn bám trụ SXNN. Mỗi năm, Tề Lỗ có trên 220ha đất trồng lúa hai vụ. Như năm 2017, địa phương này gieo trồng được 175ha cây vụ đông. Theo ông Lộc, một số diện tích người dân bỏ là do đất trũng, không phù hợp gieo trồng.
|
Trồng bí đỏ mang lại thu nhập cao
|
Tề Lỗ cũng như nhiều xã của hiện Yên Lạc đang tập trung vào cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế là bí đỏ. Với loại cây này, người dân được hỗ trợ 100% giống và một phần phân bón. Bà Nguyễn Thị Tuyết, đội 4, xã Tề Lỗ cho biết, vụ mùa vừa qua, lúa bị ảnh hưởng mưa bão, sâu bệnh, năng suất chỉ 1 tạ/sào. Hiện bà đang xuống giống 5 sào bí đỏ, mong cứu vãn lại vụ lúa. “Như năm 2017, bí thu tới đâu thương lái thu mua tận nơi tới đó. Mỗi sào thu về cũng được vài triệu đồng, hơn hẳn trồng lúa”, bà Tuyết nói.
Bà Nguyễn Thị Huệ, khu 3, xã Tề Lỗ thì cho biết, hai vợ chồng đang tích cực làm đất, xuống giống khoảng 6 sào bí đỏ. “Do làm nhiều, nhà tôi được hỗ trợ 100% giống 3 sào, còn lại bỏ tiền mua. Năm nay lúa thất thu, giờ chỉ trông chờ vào vụ đông. Con cái đi làm ăn xa, nhiều khi thấy bố mẹ vất vả, khuyên bỏ ruộng nhưng tôi bảo, còn sức khỏe thì cứ túc tắc làm, một đồng cũng quý…”, bà Huệ tâm sự. Vụ đông năm ngoái, do chăm sóc tốt, mỗi sào, gia đình bà Huệ thu về khoảng 3 - 4 triệu đồng.