|
2 năm qua người trồng mía ở Khánh Hòa không có lãi
|
TX Ninh Hòa là “thủ phủ” cây mía ở Khánh Hòa, với diện tích trên 11.000 ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích mía toàn tỉnh.
Ông Đỗ Duy Phê, chuyên viên phòng Kinh tế TX Ninh Hòa cho biết, niên vụ 2017-2108, toàn TX có 11.200 ha. Nhưng niên vụ 2018-2019 thì diện tích mía giảm chỉ còn khoảng 10.900 ha. Nguyên nhân do trồng không có lãi nên bà con chuyển đổi sang trồng keo hoặc cây ăn quả như bưởi, mít, xoài…
Tuy nhiên theo ông Phê, đáng lo ngại là có tình trạng bà con bỏ mặc, không đầu tư chăm sóc mía. Thêm vào đó, năm nay thời tiết khắc nghiệt, từ tháng 4 đến tháng 8 là giai đoạn mía vươn lóng nhưng ít mưa khiến cây còi cọc, kém phát triển.
“Về diện tích cụ thể bà con bỏ mía, không đầu tư chăm sóc thì đang được các địa phương kiểm tra, song bước đầu ước lên đến hàng trăm ha. Với tình hình này, cộng với ảnh hưởng nắng hạn nên dự kiến sản lượng mía năm nay sẽ giảm ít nhất 30% so với niên vụ năm 2107-2018”, ông Phê nói.
|
Nhiều ruộng mía ở Ninh Tân còi cọc, kém phát triển
|
Ghi nhận của PV tại xã Ninh Tân, một trong những nơi trồng mía nhiều nhất TX, với diện tích trên 1.100 ha. Nhiều ruộng xơ xác, cây còi cọc. Bà Hoàng Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân cũng xác nhận cây mía năm nay kém phát triển. Diện tích mía tốt trong xã, cây chỉ cao từ 1 - 1,2m, còn lại hầu hết chỉ từ 0,5 - 0,6m. Trong khi đó cùng kỳ, cây mía đã cao trên 2m, nhiều diện tích chuẩn bị cho thu hoạch.
Nông dân Nguyễn Minh Toàn, thôn Nam, xã Ninh Tân cho biết, ngoài nguyên nhân mía bị còi cọc do nắng hạn, thì nhiều nông dân thấy trồng không có lãi, cộng với giá mía bảo hiểm đưa ra của các nhà máy đường niên vụ 2018-2019 chỉ 650.000 đ/tấn (10CCS), giảm hơn năm ngoái khoảng 150.000 đ/tấn, nên họ chẳng tha thiết đầu tư chăm sóc, bón phân, làm cỏ.
“Gia đình tôi có 2ha mía vụ này cũng bỏ mặc, vì trồng không có lãi. Năm ngoái tôi chỉ thu được khoảng 50 tấn, doanh thu 30 triệu đồng, không đủ bù chi phí đầu tư”, anh Toàn chia sẻ.
Ông Đỗ Duy Phê đánh giá, 2 năm gần đây người dân trồng mía trên địa bàn thu hoạch bấp bênh, không đảm bảo kinh tế. Cụ thể, niên vụ 2016-2017 bị khô hạn, sản lượng thấp. Còn niên vụ 2017-2018, một phần do ảnh hưởng bão số 12 làm năng suất giảm, giá thu mua chỉ mức 800.000 đ/tấn (10 CCS) nên không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Vậy nếu bà con bỏ mía, trồng gì? Tôi hỏi. Ông Phê đáp: Về định hướng cây trồng cho bà con, nếu diện tích nằm ở độ dốc lớn, đất màu mỡ không có, thì thực hiện theo đúng quy hoạch. Tức là, trước đây nếu bà con chuyển từ đất rừng sản xuất sang trồng mía thì nay chuyển lại trồng rừng.
|
Nhiều diện tích mía không được chăm sóc
|
Còn nếu độ dốc cho phép, đất đai màu mỡ, chủ động nguồn nước thì có thể chuyển sang trồng cây ăn quả, đã khẳng định thích hợp trên đất TX chẳng hạn như cây bưởi.
Cũng theo ông Phê, hiện đề án chuyển đổi cây trồng trên địa bàn đã được phê duyệt. Tuy nhiên để chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu, tới đây Phòng sẽ đề xuất TX bố trí một khoản kinh phí để lập lại hiện trạng nông hóa. Cụ thể sẽ thuê đơn vị tư vấn để lấy mẫu đất và phân tích một số vùng xã bán sơn địa, diện tích đã định hướng cho chuyển sang cây ăn quả. Khi đó TX mới có định hượng thật cụ thể về quy mô diện tích từng cây ăn quả, từng loại cây, bao nhiêu cho phù hợp.