Giải pháp ứng phó với tình hình nắng nóng trong nuôi tôm nước lợ
Những năm gần đây, thời tiết nước ta có sự diễn biến phức tạp. Theo thông tin của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2019, nhiệt độ ở khu vực miền Trung có xu hướng tăng cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 1-2oC, nắng nóng có thể xuất hiện sớm hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra ở nhiều nơi.
Tình trạng nắng nóng kéo dài gây biến đổi đột ngột môi trường ao nuôi, như yếu tố pH, hàm lượng oxy hòa tan, độ mặn hay nhiệt độ nước. Từ đó, trực tiếp làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm, tôm nuôi bị sốc môi trường, sức khoẻ yếu, giảm sức đề kháng và rất dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, nắng nóng cùng với độ mặn tăng cao làm các loại thực vật thuỷ sinh trong ao nuôi bị chết và phân huỷ nhanh là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, kéo theo sự biến đổi về độ trong của nước. Tảo xuất hiện với mật độ dày cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm nổi đầu do thiếu ô-xy vào buổi sáng, nếu nặng sẽ chết hàng loạt.
Để ứng phó kịp thời nắng nóng và các hiện tượng bất thường của thời tiết, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với sản xuất, người nuôi tôm nên thực hiện một số một số giải pháp sau:
- Xử lý tối đa mầm bệnh trong ao nuôi ngay từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, sử dụng thức ăn,…
- Có ao lắng lọc để quản lý chất lượng nước trước khi cấp vào ao nuôi đồng thời cấp nước khi mực nước trong ao giảm, độ mặn tăng đột ngột hoặc các trường hợp cần thiết khác.
- Lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt;thả nuôi với mật độ vừa để dễ quản lý (mật độ < 80 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng; 10-15 con/m2 đối với tôm sú).
- Thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng thích hợp. Nên sử dụng chế phẩm sinh học (men vi sinh) định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi.
- Duy trì độ pH trong giới hạn cho cho phép (7,5-8,2) bằng vôi CaO (định kỳ dùng vôi bột hòa nước tạt đều khắp ao nuôi với liều lượng 1,5 - 2kg/100m3 nước ao).
- Duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,2-1,4m trở lên để tránh hiện tượng tôm bị sốc do nhiệt độ môi trường tăng cao.
- Tăng thời gian sử dụng quạt đảo nước tạo ôxy cho ao, làm tăng trao đổi chất, đảm bảo ôxy cho tôm, tránh hiện tượng ngạt khí.
- Định kỳ bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề, bổ sung men vi sinh đường ruột vàsử dụng thảo dược để phòng bệnh cho tôm nuôi.
- Khi thời tiết quá nóng cần che lưới giảm bớt ánh sáng mặt trời. Lưới che nắng thường sử dụng để che ao tôm là lưới có độ che phủ khoảng 50-80% để vừa che mát vừa đủ ánh sáng cho tôm phát triển tốt.
Năm nay, thời tiết được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những đợt nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản nói chung và hoạt động nuôi tôm nước lợ nói riêng. Các hộ dân nuôi thủy sản cần quan tâm theo dõi tình hình thời tiết, chủ động hơn trong việc ứng phó, có những giải pháp phòng tránh thiệt hại cho tôm nuôi, nâng cao giá trị của hoạt động nuôi trồng thủy sản.