Nuôi tôm thẻ công nghệ cao 2 giai đoạn (giai đoạn ươm và giai đoạn nuôi thương phẩm) hiệu quả cao hơn cách nuôi truyền thống (con giống mua về được thả thẳng xuống ao nuôi), không chỉ giúp làm tăng sản lượng tôm thẻ trong một vụ mà người nuôi còn chủ động tạo được môi trường sạch, nhờ đó tôm khỏe, phát triển nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao. Sau đây là những lưu ý khi tiến hành nuôi tôm thẻ công nghệ cao 2 giai đoạn.
Chọn và xử lý ao nuôi
Theo quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn do đơn vị tư nhân xây dựng, được Tổng cục thủy sản phê duyệt, nuôi tôm thẻ muốn đạt hiệu quả cao, người nuôi cần bố trí 1 ao với diện tích từ 500 - 1.000 m2 để ươm tôm giống giai đoạn đầu. Đồng thời, bố trí ao nuôi liền kề với ao ươm để thuận tiện cho việc san thưa. Trước mỗi vụ, cần tiến hành cải tạo ao nuôi và ao ươm. Cách làm là tháo cạn nước ao nuôi và ao ươm, sên vét làm sạch đáy ao, loại bỏ các dịch hại có trong ao từ vụ nuôi trước, gia cố bờ ao chắc chắn để hạn chế thẩm thấu, mất nước trong ao, sau đó rải vôi lượng 10 - 15 kg/100 m2 tiêu diệt mầm bệnh của vụ nuôi trước. Tiếp theo lấy nước vào ao (sâu 20 - 30 cm), thau rửa 2 - 3 lần, xả khô, rải vôi từ 15 - 20 kg/100 m2, sau đó tiếp tục phơi ao 5 - 7 ngày đến khi nứt chân chim thì tiến hành lấy nước.
Xử lý nước trước khi nuôi
Người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi chất lượng nước ngoài kênh rạch trước khi lấy vào ao. Khi quan sát thấy chất lượng nước đảm bảo (nước đứng), tiến hành lấy vào ao lắng (qua túi lọc) cho đầy ao, lắng 3 - 5 ngày. Tiếp đến, cấp nước từ ao lắng qua ao ươm và ao nuôi (qua túi lọc) đạt 1 - 1,2 m,
tiến hành chạy quạt liên tục 3 ngày cho trứng cá và giáp xác nở thì tiến hành xử lý BKC (benzalkonium chlorid) liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3 kết hợp saponin liều lượng 7 - 10 kg/1.000 m3 vào lúc trời nắng để đạt hiệu quả diệt tạp và diệt khuẩn tốt nhất. Trong khâu xử lý nước cũng đừng quên áp dụng phương pháp bón phân gây màu nhằm duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Theo đó, phân vô cơ (urê hoặc DAP) bón ngày đầu 2,2 kg/1.000 m2, sau đó giảm dần hoặc dùng cám gạo, bón 1 - 1,2 kg/1.000 m2 trong 1 tuần. Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi khuẩn (Lactobacillus, Nitrobacter, Nitrosomonas…) để khống chế vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đáy ao, hấp thu khí độc NH3, H2S, NO2… Sau khi gây màu nước nên kiểm tra độ trong của nước ao, khi đạt 35 - 40 cm mới tiến hành thả giống.