Kỹ thuật nuôi cua Biển bằng thức ăn công nghiệp
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cua Biển bằng thúc ăn công nghiệp: lựa chọn và xây dựng ao nuôi, cải tạo ao nuôi, chọn và thả giống, thức ăn và khẩu phần ăn, chăm sóc và quản lý ao nuôi, thu hoạch
1. Lựa chọn và xây dựng ao nuôi
– Ao nuôi cua có diện tích từ 500 – 5.000 m2, độ sâu từ: 1 – 1,5m, có cống cấp và thoát nước riêng.
– Nên chọn nuôi ở những ao vùng triều để giảm chi phí cho việc cấp và thay nước.
– Chọn ao ở vùng chất đất ít bị nhiễm phèn, chất đáy là bùn pha cát, thịt pha sét, không có quá nhiều bùn nhão, lớp bùn <10cm, pH từ 7,5 – 8,2 và độ mặn từ 10 – 25‰.
– Bờ ao: bờ cần được nén kỹ để chống mọi, rò rỉ và sạt lở. Bờ ao cao hơn mực nước triều cao nhất ít nhất là 0,5m.
– Xung quanh ao cần làm đăng chắn (rào lưới mùng) quanh bờ không cho cua vượt bờ ra ngoài, Đăng chắn phải nghiêng về phía trong ao để tránh cua bò ra ngoài. Đăng cao từ 0,8 – 1m.
– Trong ao có thể đào các mương sâu 0,3 – 0,5m từ cống cấp đến cống thoát. Mương có độ dốc xuôi từ cống cấp đến cống tiêu nước. Có thể tạo nhiều gờ nổi diện tích mỗi gờ từ 10 – 100 m2 tuỳ diện tích ao.
– Cống: Mỗi ao nuôi nên có hai cống ở hai đầu đối diện nhau, nếu ao hình chữ nhật thì hai cống sẽ đặt ở hai bờ thuộc chiều rộng. Cống thoát đặt sát đáy và thông với mương trong ao.
2. Cải tạo ao nuôi
– Tháo cạn nước, vét bớt bùn đáy, lấp hết lỗ mội quanh bờ.
– Tiến hành bón vôi nông nghiệp với lượng 7 – 10 kg/100 m2. Sau đó phơi đáy ao 3 – 5 ngày.
– Thả chà làm bằng cây khô ở các vị trí trong ao, hoặc có thể trồng thêm rong câu làm chỗ trú ẩn cho cua.
– Cấp nước vào ao qua hệ thống lưới lọc, mức nước là 0,6 – 0,8m.
– Dùng phân urê và NPK với lượng 2 – 3 kg/1000 m2, hòa tan với nước ngọt, tạt xuống ao vào khoảng thời gian từ 9 – 10 giờ sáng. Sau 3 – 5 ngày nước lên màu, tiến hành đo các yếu tố môi trường đảm bảo: độ mặn lớn hơn 10%, pH7,5 – 8,5, nhiệt độ 25oC thì tiến hành thả giống.
3. Chọn và thả giống
– Chọn giống:
+ Nên mua giống tại các trại giống có uy tín, quen biết để đảm bảo chất lượng.
+ Chọn cua đồng đều kích cỡ, màu sắc tươi sáng, cua hoạt động tốt không có dấu hiệu bệnh, cua đầy đủ que càng không bị tổn thương, mất mát các phần phụ.
+ Nguồn giống thả nuôi là cua sinh sản nhân tạo. Có thể chọn giống cở C2 đến C5 là thích hợp.
– Thả giống:
+ Trước khi thả cần cung cấp độ mặn của ao nuôi cho trại giống để trại giống thuần hóa độ mặn. Sự thay đổi độ mặn của cua giống tại trại giống và ao nuôi tốt nhất không nên quá 5‰.
+ Thời gian thả cua là vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
+ Tiến hành khoát nước của ao nuôi từ từ vào khay giống để cua quen với nhiệt độ và độ mặn sau đó từ từ thả cua ra ao hoặc ra giai.
+ Vì cua có tập tính vùi xuống đáy nên khi thả cua cần rải đều trong ao tránh thả tập trung một chỗ cua dễ ăn thịt lẫn nhau làm giảm tỉ lệ sống, chọn nhưng điểm ở trong ao có nền đáy sạch cát nhiều để thả giống.
+ Mật độ thả: 1,5 con/m2.
4. Thức ăn và khẩu phần ăn
a) Loại thức ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp loại chìm (các loại sản phẩm thức ăn cho tôm có chất lượng, hàm lượng đạm ≥ 40%) để cho cua ăn.
b) Khẩu phần cho ăn:
– Tháng nuôi thứ nhất ngày cho ăn 4 lần: 6 giờ sáng, 10 giờ trưa, 5 giờ và 9 đêm. Tăng gấp đôi lượng thức ăn khi cho cua ăn vào chiều tối. Tháng nuôi thứ 2 trở đi cho cua ăn ngày 3 lần sáng, chiều và tối.
– Giai đoạn từ lúc thả giống đến 30 ngày tuổi: Lượng cho ăn đối với 5.000 cua giống.
+ Tuần 1: 0,3 – 0,5 kg/ngày
+ Tuần 2: 0,5 – 1,0 kg/ngày
+ Tuần 3: 1,0 – 1,5kg/ngày
+ Tuần 4: 1,5 – 2,0 kg/ngày
– Giai đoạn sau 15 ngày: Định kỳ 15 ngày/lần dùng chà hoặc rớ để kiểm tra cua, xác định tỷ lệ sống và trong lượng đàn và cân đối lượng thức ăn cho phù hợp.
+ Sau 15 ngày đến hết tháng nuôi thứ 2: Lượng thức ăn cho ăn 10 -7%/ngày/ tổng đàn cua nuôi trong ao.
+ Tháng nuôi thứ 3 trở đi: Lượng thức ăn cho ăn 7 – 3%/ngày/ tổng đàn cua nuôi trong ao. Ngoài ra, cho cua ăn thêm thức ăn cá tạp 1 tuần/2 lần.
– Khi cho cua ăn, rải đều thức ăn đều khắp hồ để chúng khỏi tranh thức ăn với nhau.
– Trong quá trình nuôi định kỳ 15 ngày ăn bổ sung thêm VitaminC với liều lượng 3 – 5g/kg thức ăn để cho cua ăn liên tục trong 5 ngày nhằm tăng sức đề kháng cho cua nuôi. Ngoài ra, vào những thời điểm thời tiết nằng nóng nhiệt độ nước tăng cao chúng tôi cũng bỗ sung thêm VitaminC, khoáng và men tiêu hóa nhằm tăng cường sức đề kháng và ngừa bệnh cho cua nuôi.
– Kiểm tra lượng thức ăn mà chúng sử dụng để điều chỉnh tăng giảm bằng cách dùng vó cho vào sàng 1 – 2% lượng thức ăn cho mỗi lần, tránh dư thừa làm ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt là không để thiếu thức ăn sẽ tăng nguy cơ ăn thịt lẫn nhau, tỷ lệ sống rất thấp, khả năng phân đàn cao.
– Cách kiểm tra: thức ăn cho vào sàng ăn (vó) sau khi được vãi điều khắp ao; lượng thức ăn cho vào sàng 1 – 2% lượng thức ăn cho mỗi lần.Thời gian kiểm tra sàng ăn(vó): Tháng nuôi thứ nhất là 2,5 giờ; Tháng nuôi thứ hai là 2,0 giờ; Tháng nuôi thứ ba và đến thu hoạch là 1,5 giờ.
5. Chăm sóc và quản lý ao nuôi
– Quản lý các yếu tố môi trường:
+ Hai tuần đầu, định kỳ 3 – 5 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay từ 20 – 30% lượng nước trong ao.
+ Từ tuần nuôi thứ 3 trở đi định kỳ 10 ngày thay nước 1lần, mỗi lần thay 30-50% lượng nước trong ao.
– Định kỳ hàng tuần kiểm tra các yếu tố môi trường như: độ mặn, pH, độ kiềm, nhiệt độ để kịp thời điều chỉnh.
– Định kỳ hàng tuần, khi trời mua hoặc khi cua lột xác tiến hành bón vôi với liều lượng 2 kg/100m2 để nâng cao và ổn định pH cho ao nuôi, đồng thời cung cấp Canxi giúp cua tạo vỏ tốt hơn.
– Thường xuyên kiểm tra lưới chắn xung quanh ao, bờ ao, đăng cống nhất là khi trời mưa, lũ để tránh cua thoát ra ngoài.
– Quản lý tỉ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của cua nuôi:
– Định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra trọng lượng và ước tỷ lệ sống cua để điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ và bắt cua lên kiểm tra tốc độ sinh trưởng và tình trạng sức khoẻ của cua để có giải pháp xử lý kịp thời.
6. Thu hoạch
Khi cua đạt kích cỡ thương phẩm 0.25 – 0.3 kg/con, ta tiến hành thu cua. Có thể thu tỉa bằng cách thả rập hoặc thu toàn bộ bằng cách thu hết giá thể mà cua trú
ẩn, rồi tiến hành xả cạn để bắt cua.
Đà Nẵng tìm hướng đi mới trong nuôi Cua Biển
Đà Nẵng tìm hướng đi mới trong nuôi Cua Biển, Nguồn: Đăng Bình – Nông nghiệp Việt Nam.
Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng đã triển khai mô hình “Nuôi cua thương phẩm” đơn canh và xen canh với tôm chuyển giao cho 4 hộ nông dân làm điểm.
– Đến nay, mô hình đã khẳng định tính hiệu quả, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa đa dạng hóa các đối tượng nuôi; qua đó mở thêm hướng mới trong phát triển kinh tế cho các hộ.
– Lão nông Đỗ Trực, thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang là người nuôi tôm nước lợ xen canh cua thương phẩm vụ đầu tiên. Dù là người có thâm niên nuôi tôm hơn 15 năm nay nhưng cũng đã bao phen ông phải lao đao vì vật nuôi “khó tính” này. Dù vẫn biết nguy cơ cao trong vụ 2 nhưng nếu bỏ ao hoang thì không đành, nhiều hộ vẫn thả nuôi với số lượng ít hơn vụ chính.
– Vụ 2 năm nay, được Trung tâm hỗ trợ cua giống cùng kỹ thuật chăm sóc, ông Trực thả 2.000 con cua bột sản xuất nhân tạo trong ao nuôi tôm trên diện tích mặt nước gần 2.000 m2. Ông Trực cho biết, với cách nuôi xen canh, cua ăn thức ăn thừa của tôm nên giúp cải tạo đáng kể nguồn nước, môi trường đáy ao, giảm sử dụng thuốc lại cho thu nhập cao và ổn định.
– Nuôi cua xen canh tôm ở vụ 2 đã được người dân nơi đây áp dụng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do không có nguồn cua giống chất lượng nên người dân nơi đây thu gom giống cua ngoài tự nhiên, vì vậy sản lượng cua thành phẩm không đồng đều.
– Ông Huỳnh Văn A ở thôn Trường Định cho biết, gia đình thả nuôi 2.000 con cua nhân tạo do Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng hỗ trợ trên diện tích 2.000 m2. Đến nay, cua phát triển tốt và đang cho thu hoạch với trọng lượng 4 con/kg. Với giá hiện nay gần 200 ngàn đồng/kg thì ao cua của ông cho lãi 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
– Theo bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng, việc chuyên canh tôm sẽ dễ gây ra ô nhiễm nguồn nước do thức ăn thừa lắng đọng dưới mặt ao, lâu ngày phát sinh dịch bệnh cho tôm. Trên thực tế nhiều năm qua, người nuôi tôm ở vụ 2 thôn Trường Định thường bấp bênh. Chính vì vậy, mô hình “Nuôi cua thương phẩm” đơn canh hoặc xen canh với tôm đã cơ bản khắc phục ô nhiễm môi trường.
– Các hộ nuôi cua giống nhân tạo được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng mua từ trại sản xuất cua giống uy tín ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, có kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sức đề kháng cao nên cua có tốc độ tăng trưởng nhanh, ít bệnh, năng suất thu hoạch đạt 50kg/sào.
– Kỹ sư Trần Lâm Hồng Hạnh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng cho biết, để có kết quả đó, thời gian qua, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên phối hợp với 4 hộ nuôi thí điểm để kiểm tra quá trình sinh trưởng của cua, hướng dẫn kỹ thuật xử lý ao nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; nhất là giai đoạn độ mặn của nguồn nước lợ nơi đây bị sụt giảm so với môi trường sống phù hợp của cua.
Cua lột là một loại cua thương phẩm đặc biệt. Ở các tỉnh ven biển Nam Bộ sau mùa sinh sản tự nhiên vài tháng có nhiều cua con cỡ từ 25-60g/con. Người ta chọn loại cua đó để nuôi cua lột.
Công trình và thiết bị
– Hộp nuôi cua lột màu đen được làm từ nhựa PP chịu được va đập, nắng nóng.
– Thành hộp dày 1,2 – 2 mm. Phần nắp hộp nằm trên mặt nước cao 5 – 5,5cm
– Mặt trên có cắt lỗ 3x3cm để thuận lợi quá trình cho ăn.
– Đáy hộp có khoảng 12 lỗ, mỗi lỗ 8-10mm cho nước luân chuyển.
– Ngoài ra cần làm thêm hệ thống mái che, hệ thống cung cấp Oxy, máy quạt nước để đảm bảo môi trường tốt cho cua phát triển.
Chăm sóc và quản lý
– Cho ăn 2 lần/ngày, thức ăn là cá tạp, còng, nhuyễn thể 2 mảnh, phụ phẩm sò lông, sò điệp… Thường xuyên kiểm tra cua 2-3 lần/ngày trong suốt quá trình cua lột.
– Cua sau khi nuôi từ 28-30 ngày sẽ tiến hành lột. Cua lột vỏ nhiều nhất từ 34-40 ngày sau khi nuôi sau đó giảm dần. Thời gian cua lột từ 8h-0h. Cua lột sau khi bắt phải tiến hành thả vào nước ngọt 15-20 phút rồi mới đem đi bảo quản.
– Các chỉ số môi trường phù hợp để cua phát triển: Độ mặn: 15-25 ‰, Nhiệt độ: 26-30 ºC, DO: >3ppm, pH: 7.8 – 8.5
Các mô hình nuôi cua trong hộp nhựa
Nuôi cua lột công nghiệp
ôi cua lột kết hợp cá rô phi
Nuôi cua lột kết hợp nuôi tôm quảng canh
Nuôi cua lột kết hợp trồng rong biển
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.
1. Bệnh rung chân (rũ còng)
Các cơ bị rung hoặc liệt, di chuyển chậm chạp, không phản ứng với các tác động bên ngoài, cua dừng ăn và trở nên bất động, cơ thể đổi màu hơi đen, xám hoặc hơi trắng; cơ thịt có màu đỏ; gan tụy thối rữa.
· Tác nhân gây bệnh
Do virus và ký sinh trùng rickettsia.
· Phòng trị
– Giữ gìn môi trường sống trong sạch cho cua nuôi. Ao đầm nuôi phải xây dựng ở nơi có nguồn nước tốt, độ mặn từ 15 – 25 phần ngàn, pH từ 7,5 – 8,2.
– Cải tạo ao thật kỹ trước khi thả nuôi. Phơi đáy từ 5 – 10 ngày, nếu đáy nhiều bùn thì vét bớt bùn, rác.
– Bón vôi khắp đáy và trên bờ ao, quét vôi trong và ngoài đăng chắn, làm tốt khâu cải tạo, sát trùng, loại bỏ các chất cặn bã, chất thải của quá trình nuôi trước; duy trì quản lý chất lượng nước tốt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cua.
– Hiện chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu nên tốt nhất chọn cua đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, tốt nhất nên lấy giống cua sản xuất nhân tạo, ương trong giai đạt kích cỡ 1,5 – 2 cm.
– Trước khi thả nên sát trùng bằng dung dịch formaline 20 – 30 ppm hoặc sunphát đồng 2 – 4 ppm trong vòng 20 – 30 phút. Có thể dùng thuốc phun vào ao trong thời gian kể từ lúc bắt đầu thả nuôi, nồng độ thuốc thấp hơn 7 – 10 ppm so với nồng độ tắm cho cua. Chỉ nên dùng với ao nhỏ, mật độ nuôi cao.
– Để phòng các mầm bệnh trong thức ăn, nhất là thức ăn tươi sống, ta có thể khử trùng thức ăn trước khi cho cua ăn. Thức ăn rửa sạch ngâm trong thuốc tím nồng độ 5 – 10 ppm trong 20 – 30 phút. Rửa lại bằng nước sạch rồi cho cua ăn. Tốt nhất nên cho cua ăn thức ăn được nấu chín.
2. Bệnh hoại tử do vi khuẩn Vibrio
Phần phụ bụng và cơ bị hoại tử, cơ thể biến đổi màu sắc, hình thành các khối u màu trắng bên trong mô cơ thể (đặc biệt là mang); cơ thể yếu và hoạt động chậm chạp, biếng hoặc không ăn.
· Tác nhân gây bệnh
Vibrio anguillarum, V. alginolyticus, V. parhaemolyticus.
· Phòng trị
– Thả nuôi với mật độ thích hợp, nên thả 1 con/m², trong quá trình lưu giữ chăm sóc chú ý tránh làm xây xát cua, đảm bảo chất lượng nước tốt; sát trùng bể ương cua bằng dung dịch KMnO4 15 – 20 ppm (mg/l); ngâm dụng cụ ương nuôi trong 50 ppm chlorin trong thời gian 1 giờ; khử trùng nước ngọt bằng 10 ppm chlorin; phun trong ao 1 ppm terramycin.
– Phun trong ao 2 – 3 mg/l terramycin hoặc 1 mg/l norfloxac một ngày một lần, trong 3 – 5 ngày, có thể dùng thức ăn trộn terramycin (0,1 – 0,2 g/kg trọng lượng cơ thể cua) cho ăn ngày 1 – 2 lần trong 7 ngày liên tục.
3. Bệnh thủng vỏ
Ban đầu những đốm màu hơi trắng trên phần bụng giáp đầu ngực và dần chuyển thành các tổn thương loét có màu nâu đen; có thể nhìn thấy vỏ, màng và lớp cơ bên trong. Bệnh thủng vỏ hiếm khi gây chết cua, nhưng nếu vỏ bị bào mòn và đục thủng trên diện rộng có thể tạo điều kiện cho các vi khuẩn thứ cấp cũng như ký sinh trùng xâm nhiễm gây bệnh.
· Tác nhân gây bệnh
Bệnh thủng vỏ do các tổn thương, xây xát do điều kiện nuôi nhốt không thích hợp, mật độ dày, môi trường nuôi bị ô nhiễm tạo điều kiện cho vi khuẩn Vibrio sp., Pseudomonas sp., Aeromonas sp., Spirillum sp., Flavobacterium sp., Vibrio vulnificus, V. parahemolyticus, V. splendidus và V. orientalis xâm nhập gây bệnh.
· Phòng trị
– Chăm sóc cẩn thận, tránh gây sốc, xây xát cua, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trường nước.
– Sử dụng vôi bón 15 – 20 ppm; duy trì chất lượng nước tốt và có độ dày lớp bùn đáy thích hợp (5 – 10 cm). Cung cấp một lớp đất cát dày thích hợp cua có thể đào được, tác dụng làm giảm stress cho cua và giảm các chất bẩn bám trên cơ thể cua.
– Định kỳ thông qua quá trình thay nước hoặc bắt mẫu, tiến hành chà và quét rửa phần lưng cho cua bằng bông gòn nhúng trong dung dịch i-ốt nhằm ngăn chặn chất dơ bám trong suốt quá trình nuôi và lưu giữ nhằm hạn chế việc phát triển của nguyên sinh động vật, là nơi cư trú của vi khuẩn phân giải kitin.
– Sử dụng chlorin 2 ppm và cho cua ăn thức ăn có trộn thuốc (sulfonamides 0,1 – 0,2% hoặc 0,05 – 0,1% terramycin) trong 5 -7 ngày liên tục; phun thuốc trong ao với liều 2,5 – 3 ppm terramycin mỗi ngày một lần, liên tục trong 5 – 7 ngày.
4. Bệnh đen mang
Biểu hiện ban đầu là các tơ mang chuyển màu nâu đen, sau đó chuyển hoàn toàn thành màu đen, cua di chuyển chậm chạp, biếng ăn, hô hấp khó khăn. Cua yếu, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhiễm, gây chết cua.
· Tác nhân gây bệnh
Quá trình chuẩn bị ao không kỹ, điều kiện môi trường xấu do thiếu sự trao đổi nước, chất bùn lắng nhiều.
· Phòng trị
– Thả cua đúng lịch thời vụ, làm tốt khâu cải tạo, giữ lớp bùn đáy có độ dày thích hợp (5 – 10 cm). Trong thời gian thường xảy ra dịch bệnh dùng vôi nông nghiệp CaCO3 2 -3 kg/100m2 hòa nước tạt đều khắp ao; Tăng cường trao đổi nước, định kỳ tiến hành thay nước và cung cấp nước vào ao đảm bảo chất lượng nước tốt. Tránh cho ăn quá nhiều.
– Dùng vôi bón vào ao với liều lượng 15 – 20 mg/l.
5. Bệnh teo cơ (rệp cua)
· Tác nhân gây bệnh
Do ký sinh trùng Sacculina sp. bám vào phần thịt của khoang mai, có thể thấy qua lỗ thoát ở gốc càng cua. Rệp phát triển nhanh về số lượng và gây cản trở hoạt động của cua, hút chất dịch trong thịt cua, làm cua gầy và chết.
· Phòng trị
– Sát trùng ao bằng chlorin 10 ppm hoặc 100 ppm formalin và tháo bỏ lớp bùn đáy trước khi thả giống, loại bỏ những con cua bệnh, không thả cua bị nhiễm bệnh, thả cá rô phi 0,1 con/m2 để chúng sử dụng ký sinh trùng này làm thức ăn.
– Giảm độ mặn dưới 1 phần ngàn hoặc chuyển cua qua nước ngọt, tắm cua trong dung dịch formalin 20 – 30 ppm trong 20 – 30 phút hoặc dung dịch CuSO4 8 ppm hoặc KMnO4 20 ppm trong 10 – 20 phút, nếu phun dưới ao thì sử dụng 0,7 ppm của hỗn hợp có tỉ lệ 5:2 CuSO4 và FeSO4.