Kỹ thuật chăn nuôi vịt trời theo mô hình hiệu quả nhất
Chăn nuôi vịt trời là nghề đem lại giá trị kinh tế cao nhưng lại chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam bởi đây là loài hoang dã mới chỉ được thuần hóa trong thời gian gần đây. Mời bà con tham khảo kỹ thuật chăn nuôi vịt trời theo mô hình đem lại hiệu quả cao nhất.
Trước nay, người nông dân vẫn từng rất quen thuộc với những nghề chăn nuôi gà, vịt, ngan hay ngỗng... Tuy nhiên, vịt trời lại là loại gia cầm nuôi khá mới bởi nó là loài hoang dã chưa thực sự thuần hóa với môi trường chăn nuôi. Chính vì thế, khác với những mô hình chăn nuôi vịt công nghiệp phổ biến trước đây, mô hình chăn nuôi vịt trời phải đảm bảo các yếu tố về con giống, chuồng trại, chế độ dinh dưỡng và nhất là nơi nuôi phải gắn liền với môi trường tự nhiên nơi chúng từng sống thì mới cho khả năng sinh trưởng tốt nhất.
Kỹ thuật chăn nuôi vịt trời theo mô hình
Hiện nay, rất nhiều hộ nông dân tại Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi vịt trời và tất nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mới bắt đầu. Tuy nhiên, vịt trời đang dần có dấu hiệu thích nghi với điều kiện bán chăn thả, những con vịt trời giống sau này không còn khó thuần phục như trước kia nữa. Mặc dù vậy, mô hình chăn nuôi vịt trời vẫn có nhiều điểm khác biệt so với chăn nuôi vịt công nghiệp đó là bắt buộc phải có ao hồ và một số kiến thức liên quan đến: chọn giống, cách làm chuồng trại, thức ăn và cách làm chuồng trại.
Cách chọn vịt trời giống
Để mô hình chăn nuôi vịt trời đạt hiệu quả cao nhất trước tiên cần lựa chọn con giống có đặc tính di truyền tốt. Giống vịt trời được sinh ra từ bố mẹ phẩm chất tốt, khả năng tăng trưởng cao và chất lượng thịt tốt. Một số tiêu chuẩn cần đạt được khi lựa chọn vịt trời con: nhanh nhẹn, lông mượt, rốn khô, chân và mỏ đều không sứt mẻ. Ngoài ra, những con không đạt tiêu chuẩn ban đầu cần loại bỏ ngay.
Cách làm chuồng trại chăn nuôi vịt trời
Đối với kỹ thuật chăn nuôi vịt trời hiện đại thì chuồng trại có thể làm bằng xi măng hoặc nếu sử dụng nền đất thì thì cần lót trấu hoặc rơm rạ làm ổ. Chuồng chăn nuôi vịt trời cũng có thể chia làm nhiều ô để phân chia đàn theo lứa tuổi nhằm thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc.
Vịt trời con cần được tách riêng nuôi trong lồng hoặc ô riêng có hệ thống sưởi ấm bằng đèn để giữ nhiệt cho vịt phát triển tốt thời kỳ đầu tăng sức đề kháng. Khi vịt trời con bắt đầu sinh trưởng tốt rồi mới cho thả tự do cùng đàn vịt lớn.
Nếu là chăn nuôi vịt trời thương phẩm cần tạo sân chơi và ao hồ bên cạnh chuồng nuôi. Ao hồ và sân chơi có diện tích lớn hơn chuồng nuôi để vịt có thể ra tắm, bơi và chạy nhảy giúp cho thịt săn chắc, kích thích ăn khỏe cho đàn vịt. Có thể trang bị thêm máng ăn uống cho vịt trời ngay tại sân chơi để vịt khi đói có thể nạp năng lượng bất cứ lúc nào. Bà con chú ý thường xuyên vệ sinh chuồng trại tránh để ô nhiễm gây bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe của đàn vịt.
Kỹ thuật chăm sóc vịt trời con
Đối với vịt trời con khi đem về chuồng nuôi phải được sưới ấm với nhiệt độ từ 36 đến 38oC trong vài ngày bằng lồng sưởi ấm chuyên dụng. Sau khoảng 3 ngày, vịt con bắt đầu khỏe thì có thể giảm dần nhiệt độ lồng sưởi xuống. Chú ý cung cấp ánh sáng 24h mỗi ngày bằng ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn sợt tóc buổi tối.
Thức ăn chăn nuôi vịt trời
Thức ăn cho vịt trời tốt nhất là sử dụng những loại rau xanh, lúa non, lục bình... Ngoài ra, bà con cũng có thể sử dụng một số loại cám chăn nuôi vịt cho ăn kèm như cám con cò. Chú ý cho vịt trời uống nước sạch, nắm rõ nguồn gốc.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, bà con nên bổ sung thường xuyên B1 và B-complex nhằm phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp đồng thời tăng sức đề kháng cho đàn vịt. Vịt trời cũng là một loại gia cầm nên bà con cũng cần chú ý tiêm phòng vacxin cúm gia cầm hay các loại vacxin bệnh về tụ huyết trùng, tiêu hóa...
Như vậy, với mô hình chăn nuôi vịt trời bán tự nhiên như trên, đàn vịt sẽ vừa đảm bảo được chất lượng thịt mà vẫn có tốc độ tăng trọng nhanh, nâng cao giá trị kinh tế.