Những cơ quan bị tổn thương do bệnh tiểu đường
21/03/2016
SKĐS - Tiểu đường có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan chính của cơ thể gồm tim, mạch máu, thần kinh, mắt và thận.

Bệnh tiểu đường týp 2 có thể dễ dàng bị bỏ qua đặc biệt trong giai đoạn đầu khi bạn vẫn cảm thấy khỏe mạnh, không có triệu chứng. Nhưng tiểu đường có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan chính của cơ thể gồm tim, mạch máu, thần kinh, mắt và thận. Nếu không nỗ lực để kiểm soát, bạn có thể bị các biến chứng. Mặc dù các biến chứng lâu dài của tiểu đường thường  phát triển dần dần, chúng có thể gây tàn phế hoặc đe dọa tính mạng.

Dưới đây là những cơ quan có thể bị ảnh hưởng bởi tiểu đường

Tim và mạch máu

Bệnh tim và bệnh mạch máu là những rối loạn phổ biến với những người bệnh tiểu đường không được kiểm soát. Người bệnh bị tăng gấp 2 lần nguy cơ bệnh tim và đột quỵ so với những người không bị bệnh.

Người bệnh có thể không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo cho tới khi bị đau tim hoặc đột quỵ. Thậm chí cơn đau tim có thể không gây đau nếu bạn bị tiểu đường. Các rối loạn với các mạch máu lớn ở chân có thể khiến chân bị chuột rút, thay đổi màu da và thậm chí dẫn đến hoại tử. 

Mắt

Tiểu đường có thể gây tổn thương các mạch máu trong võng mạc (bệnh lý võng mạc tiểu đường) có nguy cơ dẫn đến mù. Tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh về thị lực khác như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

Thận

Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ để lọc các chất thải ra khỏi máu. Tiểu đường có thể gây tổn hại cho hệ thống lọc này. Tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn tới suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không thể cứu chữa, thường phải chạy thận hoặc ghép thận.

Thần kinh

Dư thừa đường có thể làm tổn thương thành các mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng các dây thần kinh, đặc biệt ở chân. Điều này có thể gây cảm giác kiến bò, tê, rát, đau, thường bắt đầu ở các đầu ngón chân hoặc ngón tay và lan dần lên, được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên.

Đường huyết được kiểm soát kém có thể khiến người bệnh mất cảm giác ở các chân bị ảnh hưởng. Tổn thương dây thần kinh chi phối các cơ quan bên trong gây bệnh thần kinh tự động, có thể dẫn tới các triệu chứng khác nhau như táo bón, tiêu chảy, chóng mặt tư thế hoặc bí tiểu, ở nam giới rối loạn cương dương có thể là vấn đề.

Tổn thương thần kinh ở bàn chân hoặc lưu thông máu kém tới bàn chân làm tăng nguy cơ bị một số biến chứng ở chân. Nếu không điều trị, các vết trầy xước và mụn rộp có thể trở thành các nhiễm trùng nghiêm trọng, khó liền. Tổn thương nặng có thể phải cắt cụt ngón chân, bàn chân hoặc chân.

 


Số lượt đọc: 3490 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác