"Ma trận" bán hàng đa cấp.
16/06/2016

Thời gian qua, một số địa điểm bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh có biểu hiện kinh doanh bất chính, song theo các cơ quan chức năng các hành vi này khó xử lý vì chưa đủ yếu tố để xác định hành vi phạm pháp. Hoạt động bán hàng đa cấp vì thế vẫn như một “ma trận” thu hút nhiều người tham gia mà không biết sẽ đổ vỡ vào lúc nào!

Báo BR-VT đã có một số bài viết phản ánh về một số cơ sở bán hàng đa cấp (BHĐC) trên địa bàn tỉnh có biểu hiện kinh doanh bất chính. Gần đây nhất ngày 29-4-2016, Báo BR-VT đăng bài “Đề phòng “sập bẫy” bán hàng đa cấp bất chính”, phản ánh việc cơ sở bán hàng đa cấp Ngọc Hải - Tân Thành (88 Dương Bạch Mai, khu phố Tân Phú, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) - một trong 12 địa điểm hoạt động trên địa bàn tỉnh của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (trụ sở chính tại Hà Nội) có những biểu hiện như: “thổi phồng” công năng của sản phẩm, bán với giá cao gấp nhiều lần giá các sản phẩm cùng loại, ép nhân viên kinh doanh phải mua sản phẩm của mình, nghiêm trọng nhất là có dấu hiệu huy động vốn bất hợp pháp.

Tương tự, Công ty TNHH Thương mại Đồng Thắng (lô A, khu tái định cư ấp Phước Lập, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) - là chi nhánh của Công ty CP EVERRICHS, trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh (Báo BR-VT đã có bài viết: “Nhiều người “sập bẫy” kinh doanh đa cấp trá hình” đăng ngày 20-10-2015). Ngoài những chiêu như thổi phồng công dụng của sản phẩm, chi hoa hồng cao cho người bán hàng… nhằm bán được nhiều sản phẩm, thu lợi nhuận cao, Công ty này còn không ghi địa chỉ sản xuất trên nhãn mác hàng hóa.

Trước tình trạng trên, từ ngày 21-4 đến 1-6-2016, Sở Công thương phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh và UBND các huyện, thành phố thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp đối với 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có địa điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh, gồm: Công ty CP EVERRICHS, Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam (trụ sở chính tại Hà Nội) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam (trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh), Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (trụ sở chính tại tỉnh Bắc Giang), Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy và Công ty TNHH Thương mại Lô Hội (trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh).

Qua thanh tra cho thấy, hầu hết các điểm hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh đều đăng ký hộ kinh doanh cá thể (15/17 điểm). Các điểm này ký hợp đồng là đại lý ký gửi hàng hóa với doanh nghiệp bán hàng đa cấp và được người đại diện pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền thực hiện các thủ tục để người tham gia ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp với doanh nghiệp; nhận đơn đặt hàng, giao hàng cho khách hàng của doanh nghiệp và hưởng hoa hồng 6% trên doanh số hàng hóa được giao cho khách hàng. “Các điểm kinh doanh đa cấp nộp thuế theo hình thức thuế khoán nên không xuất hóa đơn tài chính cho khách hàng; không có sổ sách kế toán, không lưu chứng từ của việc đặt hàng và giao hàng hóa cho khách hàng, do đó gây khó khăn trong công tác quản lý”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chánh Thanh tra Sở Công thương cho biết.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 2/6 doanh nghiệp vi phạm Khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy phát sinh nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp; còn Công ty Liên kết Việt Nam, có dấu hiệu ép nhà phân phối (người bán hàng) phải mua sản phẩm khi đặt ra quy định điều kiện trở thành người bán hàng là phải “lựa chọn đơn hàng phù hợp theo yêu cầu của cá nhân và gia đình”.

Tuy nhiên, các chứng từ liên quan đến việc trả lương, hoa hồng đều lưu tại trụ sở chính hoặc chi nhánh của doanh nghiệp, do đó Sở Công thương gặp khó khăn trong việc xác định chứng cứ vi phạm. Còn việc xử lý hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh lại vượt thẩm quyền của Thanh tra Sở Công thương.

Bà Hương cho biết thêm, việc cung cấp thông tin về chương trình trả thưởng, công dụng sản phẩm… thường do người bán hàng đa cấp thực hiện, do đó khó xác định trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh trong việc cung cấp thông tin sai lệch, lôi kéo hoặc dụ dỗ người tham gia bán hàng trái quy định của pháp luật.

Riêng việc bán hàng hóa với giá cao từ 3 - 10 lần so với giá đầu vào (Kem Aloe Body Conditioning Crème của Công ty Lô Hội đầu vào giá hơn 100 nghìn đồng, bán ra hơn 600 nghìn đồng; sản phẩm Cordy A+ của Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam đầu vào 85 nghìn đồng, bán ra 988 nghìn đồng; sản phẩm KANG DI DAO của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đầu vào hơn 2,7 triệu đồng, bán ra hơn 14,8 triệu đồng) và việc quy định hình thức khuyến mại tặng thưởng tiền mặt với tổng số tiền thưởng cao gấp 3 - 10 lần số tiền bỏ ra mua hàng hóa chưa được pháp luật hiện hành điều chỉnh.

Trước những khó khăn về công tác quản lý và xử lý vi phạm đối với các cơ sở bán hàng đa cấp, Sở Công thương đã kiến nghị các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp và những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhằm giúp người dân chủ động phòng ngừa, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn; Chủ động tố giác hành vi vi phạm và phối hợp cung cấp chứng cứ có liên quan đến các hành vi vi phạm cho Sở Công thương; tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện và phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường địa bàn kiểm tra và xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp

 


Số lượt đọc: 3609 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác