Còn nể nang thì khó chọn được cán bộ có năng lực.
01/08/2016
Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đánh giá cán bộ vẫn còn tình trạng nể nang, theo cảm tính, chưa phản ánh đúng năng lực thực sự của cán bộ - Đây là những nhận định được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu lên tại các buổi làm việc gần đây liên quan đến công tác đánh giá cán bộ.

Từ sau đại hội Đảng các cấp đến nay, một số địa phương đã phải điều động, luân chuyển cán bộ do thiếu năng lực, để xảy ra vi phạm tại địa phương. Điển hình như TP. Vũng Tàu, từ đầu năm 2016 đến nay, đã có các quyết định đình chỉ chức vụ, điều động, bổ nhiệm, chỉ định lãnh đạo một số phường. Mục đích của các quyết định này là nhằm nâng cao năng lực của cán bộ trong bộ máy, tạo niềm tin cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhìn nhận: Công tác đánh giá cán bộ thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ: Bên cạnh nguyên nhân khách quan như tiêu chí đánh giá còn chung chung nên khó định lượng, khó đánh giá thì vẫn còn tình trạng cả nể, xuề xòa nên không mạnh dạn chỉ ra khuyết điểm, hạn chế khi nhận xét, đánh giá cán bộ. Nhiều cán bộ ít phát biểu, ngại va chạm, thiếu quyết đoán trong công việc lại được đánh giá cao còn những cán bộ nói thẳng, nói thật thì thường bị đánh giá không cao. Có trường hợp cán bộ năm nào cũng được đánh giá tốt nhưng khi phát hiện vi phạm không ai chịu trách nhiệm. “Một cơ quan, đơn vị bị người dân và doanh nghiệp kêu nhiều mà lãnh đạo lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì cần phải xem lại”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Tổng số cán bộ (CB), công chức (CC), viên chức (VC) của tỉnh hiện nay là 24.294 người, chiếm khoảng 2,23% tổng dân số, trong đó Khối Nhà nước 23.106 người (CBCCVC cấp tỉnh 6.750 người, cấp huyện 14.687 người, cấp xã 1.669 người), khối Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội 1.188 người (CBCCVC cấp tỉnh 568 người, cấp huyện 620 người).

Trên cơ sở nhận diện những nguyên nhân hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết, trong công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết cần nắm vững quan điểm của Đảng về công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như các tiêu chí để đánh giá cán bộ, việc đánh giá phải khách quan, toàn diện và cụ thể. Có thái độ đúng đắn trong công tác đánh giá và thực hiện một cách công tâm. Phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực của cán bộ, lấy nhu cầu nhiệm vụ làm căn cứ để bố trí cán bộ. Và việc đánh giá cán bộ phải có phân tích định lượng, đánh giá theo kết quả công việc.

Đổi mới đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu phải xây dựng tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể đối với từng vị trí công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý để có phương pháp cũng như quy trình đánh giá vừa thể hiện sự khách quan, minh bạch, vừa khoa học, đơn giản, dễ thực hiện. Mỗi cán bộ là một thành viên của một tập thể, công việc mà cán bộ phụ trách thường liên quan đến nhiều việc, nhiều người. Do vậy, khi đánh giá cán bộ, bên cạnh ý kiến nhận xét của cấp ủy đơn vị còn phải coi trọng ý kiến của tập thể CB và ý kiến của nhiều người. Tuy nhiên, thực hiện dân chủ trong đánh giá CB cần lưu ý khắc phục những hiện tượng lệch lạc, thành kiến cá nhân, tư tưởng bè phái cục bộ trong tổ chức trước khi tiến hành đánh giá cán bộ.

Ngày 25-7, Đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Trần Trung Trực, Vụ trưởng Vụ địa phương 3, Ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu đã có buổi làm việc tại BR-VT để ghi nhận các kiến nghị, góp ý cho. “Đề án tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý” của Bộ Chính trị. Trong buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu lên một số kiến nghị: thực hiện nhận xét, đánh giá phân loại CBCCVC và kiểm điểm đảng viên hàng năm chung một phiếu đánh giá; Trung ương sớm hoàn thiện danh mục hệ thống vị trí việc làm và cơ cấu theo ngạch CC trong cơ quan khối Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội, từ đó có cơ sở cho việc đánh giá CC cũng như việc tuyển dụng CC; việc quy định viên chức hoàn thành nhiệm vụ trở lên phải có “sáng kiến kinh nghiệm” là tiêu chuẩn quá cao, cần được điều chỉnh.

 

 


Số lượt đọc: 4228 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác