Chọn điểm xây dựng Trung tâm nghề cá BR-VT: Gò Găng hội đủ điều kiện.
01/08/2016

Ngày 31-7, tại khách sạn Imperial Vũng Tàu, đã diễn ra hội thảo “Lựa chọn địa điểm và đầu tư xây dựng trung tâm nghề cá gắn với khu chế biến hải sản tại TP. Vũng Tàu”. Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá là việc làm cần thiết nhưng không vì thế mà vội vàng, không tính đến tác động đối với môi trường.

CẦN THIẾT PHẢI ĐẦU TƯ TRUNG TÂM NGHỀ CÁ

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành thủy sản của tỉnh không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, đội tàu thuyền đánh bắt hải sản của tỉnh quy mô hơn 6.000 chiếc và trên địa bàn có hơn 160 DN chế biến hải sản với công suất trên 250.000 tấn sản phẩm/năm. Sản luợng khai thác thủy sản của tỉnh chiếm 11,3% tổng sản luợng khai thác của cả nuớc. Tuy nhiên, tình trạng neo đậu tàu thuyền, sản xuất chế biến hải sản tại địa phương còn thiếu tập trung, thiếu cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về môi trường, văn minh đô thị cũng như việc phát huy giá trị nguồn lợi thủy sản của địa phương.

Thời gian qua, tỉnh đã hướng đến việc xây dựng khu chế biến hải sản tập trung. Một số địa điểm đã được khảo sát như: xã Tân Hải, huyện Tân Thành; Khu phía bắc sông Rạng, khu Gò Găng, Gò Ông Sầm, TP. Vũng Tàu. Sau khi khảo sát và phân tích các yếu tố, năm 2012, tỉnh có chủ trương chọn xây dựng 3 khu chế biến thủy sản phù hợp với từng vùng nguyên liệu tại các địa phuơng: Khu Lộc An (huyện Đất Đỏ); khu Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Khu Gò Ông Sầm (TP.Vũng Tàu)…

Trong khi BR-VT đang tìm hướng xây dựng khu chế biến hải sản tập trung thì năm 2015, Thủ tuớng Chính phủ đồng ý quy hoach triển khai Dự án xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại BR-VT gắn với các ngư trường trọng điểm Đông Nam bộ. Xuất phát từ những yêu cầu mới, việc xác định vị trí để đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá gắn với khu chế biến thủy sản tập trung của tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến luợc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Việc hình thành Trung tâm nghề cá tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển nghề cá theo huớng hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản, giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện tàu thuyền do thiên tai gây ra. Góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển, đảo.

Các DN chế biến hải sản cũng cho biết, trong thời gian qua, do chưa thống nhất được phương án di dời nên chỉ sản xuất cầm chừng. Do đó, các DN mong muốn Trung tâm nghề cá sớm được xây dựng, giúp DN lựa chọn được phương án di dời để có cơ sở sản xuất ổn định, từ đó yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Tiến Đạt (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) cho biết: Công ty chuyên chế biến các sản phẩm chả cá phi lê, surimi…, xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong thời gian qua, một số đối tác muốn hợp tác, đầu tư mở rộng sản xuất, tuy nhiên Công ty không dám nhận vì chưa biết nhà máy sẽ di dời về đâu.

Tàu cá của ngư dân cập cảng Cát Lở. Ảnh: THÀNH HUY

ĐẢO GÒ GĂNG LÀ PHƯƠNG ÁN KHẢ THI

Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo. Theo các đại biểu, Gò Găng có lợi thế 3 mặt giáp sông và 1 mặt giáp biển nên mạng lưới giao thông thủy rất thuận tiện và không bị giới hạn bởi các yếu tố địa hình cũng như các cầu đường bộ. Việc đầu tư chi phí cũng sẽ ít hơn so với lựa chọn ví trí khác…

Ông Trần Hoài Giang, Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch thủy sản Phía Nam cho rằng: Yếu tố quan trọng nhất là tại Gò Găng có thể xây dựng được cảng cá động lực, có khả năng tiếp nhận đội tàu đánh bắt hải sản và các tàu dịch vụ hậu cần có công suất trên 1.000 CV, bảo đảm cho các tàu cá trong và ngoài tỉnh cũng như tàu nước ngoài ra vào thuận tiện.

Đồng quan điểm này, đại diện Sở TN&MT cho rằng, nên chọn vị trí đảo Gò Găng để đầu tư vì vị trí khu đất dự kiến đầu tư Trung tâm nghề cá giáp với sông Dinh có lưu lượng nước lớn, dòng chảy mạnh hơn sông Cửa Lấp và gần biển (Vịnh Gành Rái) nên sau khi nước thải xử lý đạt quy chuẩn cho phép thì tại vị trí này có thể tiếp nhận, hấp thụ và có khả năng tự làm sạch tốt hơn. Đồng thời, vị trí này nằm gần Trung tâm ứng cứu sự cố tràn dầu khu vực miền Nam  (Nasos), do đó nếu có sự cố tràn dầu xảy ra (do mật độ tàu bè ra vào khu vực cảng động lực của Trung tâm nghề cá rất lớn nên tiềm ẩn nhiều rủi ro sự cố tràn dầu trên sông) sẽ huy động phương tiện, thiết bị NASOS kịp thời hỗ trợ ứng cứu, khắc phục nhanh chóng, thuận lợi…

Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, hiện nay, ngành thủy sản đang gặp khó khăn do ngư dân chưa yên tâm ra khơi, DN chưa yên tầm đầu tư. Do đó, việc sắp xếp quy hoạch lại là rất cần thiết, trong đó có việc đầu tư Trung tâm nghề cá. Tuy nhiên, dù đầu tư xây dựng ở địa điểm nào cũng phải bảo đảm được môi trường và an sinh xã hội. Sau buổi hội thảo này, tỉnh sẽ xem xét kỹ lưỡng các tiêu chí để đi đến quyết định cuối cùng về việc lựa chọn địa điểm đầu Tư trung tâm nghề cá. Mục tiêu của tỉnh vẫn là phát triển môi trường sạch, bền vững, do đó đối với những DN không đủ điều kiện về môi trường sẽ không được vào.

Trung tâm nghề cá của tỉnh theo tiêu chuẩn mới phải hội đủ các phân khu chức năng như: Khu chế biến hải sản tập trung, chợ cá đầu mối, khu neo đật tránh trú bão cho tàu cá, khu dịch vụ hậu cần thủy sản, khu dịch vụ thương mại, Trung tâm đăng kiểm tàu cá, cứu hộ, cứu nạn, kiểm ngư vùng… Vị trí Trung tâm nghề các lớn phải thuận tiện, có lương hàng hải nội địa thuận tiện để kết nối thông thương gắn với lợi thế về kinh tế- xã hội, tài nguyên và nguồn nguyên liệu.

 


Số lượt đọc: 3349 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác