Gần 10.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an tỉnh Quảng Ninh đã được huy động để giúp ân thu hoạch lúa mùa, đồng thời sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 7.
Sau khi đi kiểm tra tuyến đê Hà Nam và khu neo đậu tàu thuyền tại thị xã Quảng Yên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh để kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến tất cả các huyện, thị xã của tỉnh.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Ninh và các huyện, thị xã qua cầu truyền hình, đến nay tỉnh đã thông tin và kêu gọi được 8079/8079 tàu cá các loại về neo đậu trú tránh tại các bến, khu neo đậu của địa phương và các tỉnh (trong đó có 416/416 tàu cá xa bờ của tỉnh); 534 tàu du lịch đã vào nơi tránh trú bão (trong đó có 202 tàu hoạt động ngủ đêm).
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị quân đội đóng tại tỉnh đã huy động sẵn sàng gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ với gần 200 phương tiện các loại.
Trong ngày hôm qua và hôm nay, các lực lượng quân đội và doanh nghiệp đã huy động 2.300 chiến sĩ và dân quân tự vệ, 40 máy gặt để hỗ trợ các hộ dân tại các địa phương gặt lúa cả ngày và đêm. Đến nay cơ bản diện tích lúa chín đã thu hoạch xong.
Lực lượng công an và cảnh sát PCCC tỉnh đã huy động 100% quân số với trên 4.000 người thường trực 24/24 giờ tại trụ sở và các địa bàn xung yếu để sẵn sàng tham gia ứng phó khi có yêu cầu. Các lực lượng này sẽ tổ chức điều tiết, phân luồng, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường, vận động di dời các hộ dân ở các khu vực nguy cơ lũ, lụt, sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn.
Cán bộ, chiến sĩ quân đội gia cố các đoạn để xung yếu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với Công ty Âu Lạc-Tuần Châu tổ chức cứu hộ đưa 17 khách du lịch nước ngoài trên tàu nghỉ đêm khu vực gần đảo Titov và lai dắt tàu du lịch về bờ an toàn; kêu gọi 534 tàu du lịch, 74 tàu khách cao tốc tuyến cố định các đảo và trên 8.150 các phương tiện đánh bắt thủy sản và phương tiện thủy nhanh chóng di chuyển vào các nơi trú tránh an toàn.
Phối hợp với các địa phương hỗ trợ nhân dân gia cố 435 nhà bè nuôi trồng thủy sản, tập trung di chuyển người già và trẻ em lên bờ, hoàn thành trước 11h ngày 18/10. Tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, khu vực dân cư bị ảnh hưởng của bão, không để kẻ xấu lợi dụng mưa, bão để phạm tội, nhất là trộm cắp, cướp giật tài sản.
Đến nay, các vị trí dễ xảy ra tắc nghẽn dòng chảy khi có mưa lớn đã được khơi thông; các khu vực ngầm tràn, cảng, bến đã cử cán bộ trực, canh gác, cảnh báo không cho người qua lại; các vị trí có nguy cơ sạt lở trên từng địa bàn đã được các địa phương chỉ đạo xuống từng hộ dân đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu di chuyển trước khi bão đổ bộ vào và khi có mưa lớn, cắt tỉa cây xanh đường phố, công viên; chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu nước đệm, bảo đảm tiêu thoát nước khi mưa lớn xảy ra.
Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc đã tổ chức khơi thông hệ thống thoát nước trong và ngoài các khai trường mỏ, kiểm tra hệ thống bơm thoát nước đang vận hành tại các mỏ, triển khai các biện pháp gia cố, bảo vệ khai trường, thiết bị.
Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc, tích cực, chủ động các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ khi bão đổ bộ. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia của các lực lượng vũ trang trong việc hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão số 7.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tỉnh Quảng Ninh không được chủ quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão để triển khai biện pháp ứng phó hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu Quảng Ninh và các địa phương ven biển cần nhanh chóng kiểm đếm, rà soát lại để bảo đảm tuyệt đối không có phương tiện nào hoạt động trên biển, tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các công trình cao tầng hoặc trong các lều bạt, nhà tạm. Đối với tàu thuyền đã đưa vào khu neo đậu, cần liên tục kiểm tra để bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Phó Thủ tướng lưu ý, Quảng Ninh phải có các giải pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch, các công trình hạ tầng, điểm đến du lịch.
Trong đêm nay và sáng mai, các huyện, thị xã nhanh chóng triển khai các giải pháp gia cố, bảo vệ đê điều, hồ, đập, các công trình xung yếu, không để xảy ra tai nạn, sập đổ đáng tiếc do mưa bão. Các công trình thủy lợi chủ động tiêu nước đệm, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Là tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là khai thác mỏ, Quảng Ninh được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cùng với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam khẩn trương rà soát, có các giải pháp chủ động gia cố, bảo vệ máy móc, cơ sở sản xuất công nghiệp, hầm mỏ.
Đặc biệt, ngành than cần rà soát thật kỹ lưỡng các khu vực dự trữ, khu vực khai thác than, cũng như khu bãi chứa xỉ, bởi đây đều là những khu vực rất dễ xảy ra sự cố trong mưa bão. Ngoài ra, tuyệt đối không để công nhân, người lao động trên công trường khi bão đổ bộ để tránh tai nạn đáng tiếc.
Khi bão đổ bộ, Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Ninh phát huy thật tốt 4 tại chỗ để chủ động ứng phó, giảm thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão.
- Gần 12 ngàn thí sinh bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. (24/06/2018)
- Hơn 100 thiếu nhi tham gia sân chơi tạo hình nghệ thuật với đất nặn. (24/06/2018)
- 19 giờ, ngày 20-6, bảng B, Bồ Đào Nha - Ma Rốc: 3 điểm cho Bồ Đào Nha? (19/06/2018)
- Siêu thị tăng tiêu thụ vải thiều (15/06/2018)
- Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hút thuốc lá thụ động, nỗi ám ảnh với cộng đồng. (14/06/2018)
- Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ chạy qua những tỉnh nào? (13/06/2018)
- VTV đã có bản quyền phát sóng World Cup 2018 (08/06/2018)
- Hàng không tiếp tục tăng phí dịch vụ (07/06/2018)
- Làng trồng bí đao hơn 50 kg mỗi trái ở Bình Định (05/06/2018)
- Nữ sinh bị sát hại trong lúc đi xem phòng thuê trọ (05/06/2018)