Cuối năm coi chừng "bà hỏa"!.
12/01/2017

Theo thống kê sơ bộ, năm 2016, cả nước đã xảy ra hơn 2.000 vụ cháy lớn nhỏ, thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng, làm chết và bị thương hàng trăm người, trong đó có khoảng 10 vụ cháy lớn, gây thiệt hại không nhỏ về người và của, nhiều kho hàng hóa, nhà xưởng, phương tiện vận tải… trong phút chốc đã bị thiêu rụi hoàn toàn khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh bỗng chốc trở nên trắng tay.

Đặc biệt, trong năm 2016 xảy ra cháy ở nhiều quán karaoke do chủ cơ sở bất cẩn và không tuân thủ các nguyên tắc phòng chống cháy nổ. Hầu hết các quán karaoke bị “bà hỏa viếng thăm” đều thiệt hại nặng về người do không có lối thoát hiểm, trong đó đáng chú ý nhất là vụ cháy quán karaoke ở ngõ 68 phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội vào ngày 1-11 khiến 13 người bị thiệt mạng. Tại BR-VT, công tác PCCC mặc dù đã được quan tâm thực hiện khá tốt, nhưng trong 11 tháng cũng đã xảy ra 13 vụ cháy, tuy không có thiệt hại về người nhưng đã thiêu hủy khối tài sản trị giá hơn 11,3 tỷ đồng.

Kết quả điều tra các vụ cháy lớn trong năm qua cho thấy 65% là do ý thức chủ quan của con người. Hiện nay, công tác PCCC tại một số cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chưa được coi trọng. Việc đầu tư trang thiết bị, vật tư, phương tiện PCCC tại các cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có nơi còn trang bị để lấy lệ, đối phó với các đoàn kiểm tra. Đa số người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn lơ là và thiếu kỹ năng, kiến thức về PCCC. Các cơ quan, doanh nghiệp chưa thường xuyên tổ chức diễn tập, duy tu, bảo dưỡng thiết bị PCCC. Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy, nổ, hầu hết đều lúng túng, không đủ lực lượng, phương tiện để chữa cháy, không có phương án chủ động ứng phó nhanh.

Sự chủ quan không chỉ thể hiện qua việc lơ là, không trang bị đầy đủ phương tiện cứu hỏa, không bố trí lối thoát hiểm và tuân thủ các nguyên tắc phòng chống cháy nổ trong sản xuất, kinh doanh, mà còn thể hiện qua việc chủ cơ sở “quên” mua bảo hiểm PCCC. Do không quan tâm đến việc mua bảo hiểm nên khi xảy ra hỏa hoạn, nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại nặng nề, không còn khả năng phục hồi, người lao động thì bị thiệt thòi do không được bảo hiểm bồi thường… Vì vậy, đã đến lúc cần có chế tài nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp không chấp hành quy định về bảo hiểm PCCC, không thể coi đó là việc tự nguyện hoặc để đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”.

Cuối năm là dịp các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, mở rộng kinh doanh, tích trữ hàng hóa phục vụ Tết; các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí hoạt động nhộn nhịp; người dân trang hoàng, sửa chữa nhà cửa, tổ chức các hoạt động tâm linh, cúng bái…; trong khi đó, thời tiết lại hanh khô, nắng nóng nên nguy cơ cháy nổ rất cao.

Để chủ động phòng chống cháy nổ, ngày 29-11-2016, Tỉnh ủy BR-VT đã ra Chỉ thị số 14-CT/TU về “Lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC năm 2017”. Theo đó, Tỉnh ủy chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCCC gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác PCCC và CNCH; Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCCC, CNCH trong các tầng lớp nhân dân; Tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển phong trào toàn dân tham gia PCCC đến tận cơ sở; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; Kiện toàn tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát PCCC, quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong công tác PCCC và CNCH, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC.

Thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU, những ngày cuối năm trong bối cảnh nguy cơ cháy nổ cao, Cảnh sát PCCC tỉnh đã và đang tổ chức các đoàn kiểm tra công tác PCCC ở các điểm nóng như: chợ, trung tâm thương mại, quán karaoke, vũ trường, trạm xăng dầu… Đây là việc làm quan trọng không thể thiếu, tuy nhiên, để không xảy ra những vụ hỏa hoạn thương tâm, hơn hết là mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa và trang bị phương án sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cháy, nổ xảy ra.

 


Số lượt đọc: 2291 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác