"Cai nghiện" ipad cho con.
17/02/2017
Nhiều phụ huynh, vì muốn con ngoan ngoãn đã dùng các trò chơi, thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, ipad làm mồi “dụ” con. Sau một thời gian, họ mới nhận ra con đã quá phụ thuộc vào các món đồ này và tìm cách “cai nghiện” cho trẻ.

ĂN VẠ, GÀO KHÓC VÌ THIẾU IPAD
Đến chơi nhà chị Hoàng Anh (đường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) vào ngày cuối tuần, khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh bé Su (8 tuổi) và Na (5 tuổi) ngồi chơi với các thiết bị điện tử. 2 bé mải chơi đến mức không buồn ngước mắt lên khi thấy có khách. Mẹ nhắc thì cả hai đồng thanh: “Con chào cô, chú” lấy lệ, trong lúc mắt vẫn dán vào màn hình Ipad, điện thoại. Bé Su mải mê với game đua xe. 2 tay và cả thân người bé liên tục lắc lư theo chiếc ipad, miệng lẩm nhẩm những câu vô nghĩa, còn bé Na thì cười giòn tan mỗi khi chú mèo Tom nhái lại một câu em nói. Chị Hoàng Anh vừa đút cho bé Na ăn, vừa liên tục quát bé Su ăn nốt tô bún đã nguội lạnh. Khi tôi nhắc không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi ipad như vậy, chị Hoàng Anh phân trần: “Các cháu lười ăn từ nhỏ, đến bữa tôi làm đủ chiêu trò mà các cháu không chịu há miệng nên đưa Ipad cho chơi thì mới “lừa” được chúng ăn. Lâu dần thành quen, giờ các cháu quá phụ thuộc vào các thiết bị này”. Từ khoảng nửa tiếng vào mỗi bữa ăn, thời gian các bé chơi Ipad tăng dần lên 3-4 giờ mỗi ngày, có hôm 11 giờ đêm còn chưa đi ngủ. Nhiều hôm, bé Su còn mang Ipad vào phòng chơi mà không chịu học bài. Ba mẹ la mắng, bé Su bỏ ăn, khóc lóc. “Chúng tôi cũng nhận ra các cháu nghiện Ipad, đã từng thử “cai” cho chúng nhưng chúng giận dỗi, bỏ ăn. Tôi xót con nên đành… chịu thua”, chị Hoàng Anh bộc bạch.
Những hình ảnh như 2 con chị Hoàng Anh khá phổ biến hiện nay. Không chỉ tại nhà, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều phụ huynh giao cho con điện thoại, Ipad tại các quán cà phê, nơi công cộng để có thời gian tán gẫu với bạn bè hoặc làm việc riêng. Tại hồ bơi tầng 4 Vũng Tàu Plaza hôm cuối tuần vừa rồi, nhiều người chứng kiến 2 đứa trẻ đang giành nhau chiếc điện thoại của ba để chơi game. Cậu anh cáu gắt vì “em đã chơi hơn một tiếng rồi”, còn cậu em kiên quyết không trả máy lại. Chị Phương Hà (nhà ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), mẹ của 2 bé can thiệp nhưng chúng… không bận tâm. Chị thở dài, nói: “Ở nhà, ba cháu rất chiều con. 2 bé có thể coi ti vi suốt ngày hoặc chơi game trên điện thoại của ba. Thấy con chơi game nhiều, tôi tìm cách đưa các con ra ngoài. Tôi đặt lịch với chồng là chủ nhật đưa con đi bơi, nhưng các bé đặt điều kiện phải cho chơi game trên điện thoại mới chịu”.
THÓI QUEN CÓ HẠI
Trong khi các nhà khoa học Mỹ và Canada khuyến cáo, trẻ từ 0-2 tuổi không nên có bất kỳ tiếp xúc nào với các thiết bị điện tử thông minh, thì ở Việt Nam có đến 20% trẻ trong độ tuổi này được cha mẹ thường xuyên cho dùng. Tâm lý nhiều phụ huynh thương con, sợ con biếng ăn nên dùng tivi, điện thoại, Ipad để “dụ” con ăn. Lớn hơn một chút, phụ huynh cho con sử dụng thiết bị thông minh để các bé ngồi im, bớt nghịch phá khi cha mẹ bận việc. Việc thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử thông minh dần trở thành thói quen xấu với trẻ. Nhiều trẻ nghiện thiết bị điện tử đến mức cảm thấy khó chịu, bứt rứt, bỏ ăn khi không được dùng mỗi ngày. Tình trạng nghiện tivi, Ipad, điện thoại cũng khiến nhiều trẻ bị hạn chế khả năng giao tiếp, giảm sự năng động, chưa kể đến những ảnh hưởng về thị lực.
Theo TS tâm lý học Nguyễn Chí Tăng, Trưởng phòng nghiên cứu Khoa học và Quan hệ quốc tế (CĐ Sư phạm tỉnh BR-VT), không thể cấm trẻ tiếp cận công nghệ thông tin nhưng vấn đề là làm sao để kiểm soát và hạn chế trẻ, giúp trẻ không bị “nghiện” những thiết bị này. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mê các thiết bị điện tử thông minh: Cha mẹ quá bận; cha mẹ “dụ” và thưởng cho trẻ khi hoàn thành tốt một việc gì đó; trẻ muốn mở rộng phạm vi giao tiếp (ngoài đời thực và trên mạng); tính hấp dẫn của các trò chơi; cha mẹ muốn cho con giải trí sau những giờ học căng thẳng…
Để giảm thiểu tình trạng này, TS. Chí Tăng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên dành thời gian chơi với con, chủ động trò chuyện, trao đổi, đưa con ra ngoài chơi nhiều hơn; đặt “lịch” cho trẻ chơi vào một khoảng thời gian cố định trong ngày hoặc trong tuần; Kiên quyết nói không mỗi khi trẻ mè nheo đòi chơi. Bên cạnh đó, phụ huynh cần định hướng cho trẻ cách tìm kiếm các game, thông tin hữu ích khi sử dụng mạng Internet. Cha mẹ cần làm gương cho con, nghĩa là cũng không dùng các thiết bị điện tử thông minh trong những giờ sinh hoạt gia đình; cùng chơi, cùng học với trẻ, dạy trẻ cách làm chủ thời gian sử dụng mạng Internet… Trẻ sẽ bớt lệ thuộc vào các thiết bị điện tử, tham gia nhiều hoạt động ngoài đời thực hơn nếu cảm thấy vui, được gần gũi bên gia đình, bạn bè.


Số lượt đọc: 3572 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác