Với mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng thêm hứng thú cho học sinh, qua đó mở rộng hơn sự tương tác, kết nối giữa phụ huynh với giáo viên, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức tiết học mở với hình thức đa dạng.
Điểm đặc biệt của những tiết học này là có sự tham dự của phụ huynh, không chỉ tham gia đóng góp ý kiến mà còn trao đổi với giáo viên về phương pháp giảng dạy.
Mở rộng tương tác với phụ huynh
Có mặt tại lớp 3/2 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TPHCM) vào sáng 12/4, tiết học môn Khoa học tự nhiên với chủ đề "Tôm, cua" của cô giáo Cao Thiên Ngân thật nhộn nhịp với sự tham dự của hơn 20 phụ huynh ngồi ở hàng ghế phía cuối lớp. Trao đổi với chúng tôi trước khi bước vào tiết học, anh Lê Thành Sách, phụ huynh em Lê Quỳnh Anh, cho biết tất cả phụ huynh lớp 3/2 đều được trường gửi thư mời tham dự tiết học mở.
"Tối qua con gái tôi vui lắm, cứ nhắc ba về tiết học mở sáng nay. Đây là năm thứ hai tôi tham dự tiết học mở. Nhìn thấy con mình trưởng thành, tự tin, mạnh dạn khi phát biểu ở lớp, tôi vui và tự hào lắm", anh Sách bày tỏ. Bước vào giờ học, 32 học sinh của lớp được chia thành 8 nhóm, ngồi theo từng nhóm học tập. Mỗi khi giáo viên đặt câu hỏi, các em sẽ được thảo luận nhóm, trao đổi phiếu trả lời để tìm ra đáp án đúng nhất. Quan sát từng hoạt động của con trong suốt tiết học, mỗi phụ huynh tham dự được phát một phiếu đánh giá và đóng góp ý kiến cho giáo viên. Sau tiết học, toàn bộ phiếu đánh giá sẽ được tập hợp lại cho giáo viên, phụ huynh nếu có góp ý gì có thể trực tiếp trao đổi để tiết học trở nên phong phú hơn.
Tương tự, ở một lớp khác, anh Phan Tuấn Anh, phụ huynh em Phan Đăng Quang, học sinh lớp 2/2 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, bày tỏ: "Tuy phải thu xếp nghỉ một buổi làm nhưng tôi đến trường con với tất cả sự hăm hở. Dù là tiết học giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, nhưng con và tất cả bạn trong lớp đều thể hiện sự chủ động, biết bàn luận, trao đổi và phản biện trong môi trường tập thể. Sự tham dự của ba mẹ chẳng những không khiến các cháu ngại ngùng mà trái lại còn tự tin thể hiện mình nhiều hơn".
Chia sẻ về hoạt động này, cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết trường tổ chức tiết học mở từ năm 2011. "Đến nay, qua hơn 6 năm thực hiện, phản hồi của phụ huynh về hình thức giảng dạy này là rất hài lòng và tin tưởng. Đây là một trong những cách chúng tôi thể hiện sự lắng nghe nhằm cải tiến phương pháp giảng dạy, đem lại môi trường học tập tốt nhất cho học sinh", cô hiệu trưởng bày tỏ. Hiện nay, ngoài việc triển khai tiết học mở vào những giờ học trên lớp, nhà trường còn tổ chức tiết học mở ngoài trời, mời phụ huynh cùng tham dự tiết học ở vườn rau, sân trường và một số giờ học ngoại khóa, như một hình thức mở rộng tương tác với phụ huynh.
Mở cả về không gian và phương pháp giảng dạy
Chiều 12/4, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, các du khách và những người tham dự đều hào hứng theo dõi tiết học thực tế tại bảo tàng của lớp 4/2 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Ngoài sự tham gia của cô trò, tiết học còn có hơn 20 phụ huynh cùng tham dự. Phụ huynh học sinh Hà Vy cho biết: "Dù làm ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhưng mỗi khi lớp của con có tiết học mở, chúng tôi đều sắp xếp thời gian tham dự".
Sau phần ôn lại bài cũ về cuộc đời và sự nghiệp vua Quang Trung, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Thu đã khéo léo dẫn dắt cả lớp vào bài học mới "Nhà Nguyễn thành lập". Hơn nửa thời lượng của tiết học, học sinh được hướng dẫn đọc hiểu kiến thức trong sách giáo khoa về sự cai trị của nhà Nguyễn. Sau đó, trong gần nửa thời gian còn lại, các em được chia thành 10 nhóm, nhận phiếu câu hỏi từ giáo viên rồi lần lượt tham quan các khu trưng bày hình ảnh, mô hình kinh thành Huế trong phòng Nhà Nguyễn của bảo tàng.
Yến Linh, học sinh lớp 4/2, chia sẻ: "Vừa học kiến thức vừa được tận mắt nhìn thấy nhiều hiện vật thời nhà Nguyễn, giúp con nhớ bài ngay. Dù trước đây từng được ba mẹ cho đi bảo tàng nhưng lần tham quan này vẫn cho con thêm nhiều kiến thức mới". Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ môn lịch sử mà ở nhiều môn học khác, hàng tuần Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đều tổ chức các tiết học mở, có sự tham dự của phụ huynh để tăng thêm sự gắn kết, qua đó giúp mối quan hệ gia đình - nhà trường trở nên gần gũi, gắn bó.
Nhận xét về hình thức tổ chức lớp học này, phó trưởng phòng giáo dục - đào tạo một quận ở trung tâm TPHCM cho biết đây là một trong những chủ trương phấn đấu của ngành giáo dục. Theo đó, việc học không còn bó hẹp trong phạm vi lớp học mà được mở rộng cả về không gian, địa điểm, phương pháp và thành phần tham dự tiết học. Tuy nhiên, để làm được điều đó vẫn cần thêm sự chủ động, mạnh dạn, tự tin thể hiện của các đơn vị, trong đó giáo viên nắm giữ vai trò chủ đạo.
- Phát triển doanh thu từ vé số truyền thống. (06/06/2017)
- Khai mạc hè năm 2017 (05/06/2017)
- 140 học sinh tham gia "Học kỳ trong quân đội" năm 2017 (05/06/2017)
- Nghị lực làm giàu của người thương binh nặng. (02/06/2017)
- Tập huấn phòng chống bệnh tai xanh trên heo (02/06/2017)
- Tập huấn tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội năm 2017. (01/06/2017)
- Hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá (31-5): Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ người dân bỏ thuốc lá (31/05/2017)
- Các địa phương tổ chức Khai mạc hè và phát động "Tháng hành động vì trẻ em" năm 2017. (31/05/2017)
- Khởi động "Tiếp sức mùa thi 2017" (31/05/2017)
- Cần giải pháp toàn diện chống xói lở bờ biển. (31/05/2017)