Khai thác đất, cát trái phép: Vẫn còn âm ỉ
10/05/2017

Thời gian qua, tình trạng khai thác đất, cát trái phép trên địa bàn tỉnh dù đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn còn phức tạp, gây thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân. Để ngăn chặn tình trạng khai thác đất, cát trái phép, các ngành, các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương cần siết chặt quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản hơn nữa.

KHAI THÁC CÁT TRÁI PHÉP GIỮA BAN NGÀY

Trưa 14-4, ông Đoàn Minh Mão (trú tại khu phố Thạnh Sơn, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) ngang nhiên điều phương tiện xuống lòng hồ thị trấn Phước Bửu để khai thác cát. Khi 5 xe ben (do ông Mão thuê) chở cát ra khỏi hiện trường để đưa đi bán thì bị Phòng TN-MT và Công an huyện Xuyên Mộc phát hiện, bắt giữ. Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng liều lĩnh. “Hồ thị trấn Phước Bửu nằm sát trụ sở UBND huyện mà các đối tượng vẫn ngang nhiên khai thác cát trái phép ở đây. Hiện chúng tôi đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”, ông Minh nói.

Thời gian qua, huyện Tân Thành là một trong những điểm “nóng” về khai thác đất, cát trái phép. Ông Dương Văn Tâm được cơ quan chức năng cấp GCNQSDĐ khu đất rộng gần 9.000m2 tại ấp 5, xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành). Mặc dù trong “sổ đỏ” ghi rõ mục đích sử dụng đất là trồng cây lâu năm nhưng ông Tâm lại tổ chức khai thác cát quy mô lớn trên khu đất này để bán cho các cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) ở địa phương và TP.Hồ Chí Minh với giá 150.000 đồng/m3. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, diện tích mà ông Tâm đã khai thác cát lên đến gần 5.000m2 (độ sâu khai thác 5m). Ngày 9-2-2017, UBND huyện Tân Thành đã có văn bản đề nghị Sở TN-MT xem xét thu hồi gần 9.000m2 đất của ông Tâm. Nhưng đáng nói, phần lớn diện tích khu đất này hiện là những cái ao sâu 4-5m, không có giá trị sản xuất.

Tương tự, ông Đỗ Văn Chín (thường trú tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) cũng ngang nhiên tổ chức khai thác cát trái phép tại thửa đất số 184 và 336 (diện tích hơn1.000m2) tại ấp Phú Thạnh, xã Mỹ Xuân. Hiện nay, tại khu đất nói trên có nhiều hố sâu 4-5m, không có rào chắn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước trong mùa mưa. Ông Hoàng Bá Thảo (ngụ tại tổ 15, ấp Phú Thạnh, xã Mỹ Xuân) bức xúc: “Ngày nào tôi cũng phải canh chừng mấy đứa cháu, sợ tụi nó ra đây chơi rồi đuối nước”. Mới đây, UBND huyện Tân Thành đã phạt ông Đỗ Văn Chín 60 triệu đồng, đồng thời buộc ông Chín chấm dứt hành vi khai thác cát trái phép và có biện pháp phục hồi hiện trạng khu đất.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, năm 2016, cơ quan chức năng đã tiến hành hơn 800 đợt kiểm tra, qua đó phát hiện 343 trường hợp khai thác đất, cát trái phép, thu giữ 218 máy bơm, máy hút cát, xử phạt hơn 5,3 tỷ đồng. Trong quý 1-2017, các ngành chức năng và địa phương đã triển khai 140 buổi kiểm tra, phát hiện 29 trường hợp khai thác đất, cát trái phép, tịch thu 9 máy bơm hút cát, 7 máy đào và khoảng 195m3 khối cát, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng

Một cái hố sâu khoảng 3m ở xã Phước Hòa, huyện Tân Thành hình thành do hoạt động khai thác cát trái phép. Ảnh: QUANG VŨ

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác đất, cát trái phép là do một số địa phương và các cơ quan chức năng “chưa quyết liệt” trong công tác kiểm tra, quản lý hoạt động này.

Bà Ngô Thị Hồng Bích, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tân Thành thừa nhận, trước đây, việc quản lý khai thác đất, cát trên địa bàn huyện còn có sự buông bỏng, đặc biệt là ở các xã. Năm 2016, UBND huyện Tân Thành đã khiển trách, cảnh cáo đối với 10 cán bộ, lãnh đạo thuộc Phòng TN-MT cùng các xã Tân Hải, Tân Hòa, Tân Phước và Tóc Tiên do buông lỏng công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. “Nhờ xử lý mạnh tay với những cán bộ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý tài nguyên, khoáng sản; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nên hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện đã giảm 80%. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng huyện Tân Thành cũng đã liên tục kiểm tra phát hiện, xử lý 9 trường hợp khai thác cát trái phép”, bà Ngô Thị Hồng Bích nói.

Ông Trần Xuân Hà, Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên - Khoáng sản (Sở TN-MT) cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 DN được giấy phép khai thác cát xây dựng, vật liệu san lấp đang có hiệu lực, với trữ lượng được phép khai thác 6,7 triệu m3. Đến thời điểm này, có 7/11 DN đang hoạt động khai thác cát và đều tuân thủ các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản, với tổng trữ lượng khai thác khoảng 4,3 triệu m3. “Với trữ lượng khai thác như hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho hoạt động khai thác đất, cát trái phép diễn biến phức tạp”, ông Hà phân tích.

NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 15-7-2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị này nêu rõ, UBND huyện, thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ tài nguyên, khoáng sản (TNKS) trên địa bàn quản lý; coi kết quả thực hiện công tác bảo vệ TNKS là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về mọi hoạt động khai thác TNKS trái phép trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, theo Sở TN-MT, ngoài các giải pháp “quy trách nhiệm” cho địa phương thì các cơ quan chức năng cũng cần phải đổi mới phương pháp làm việc bằng cách tăng cường trinh sát, kiểm tra đột xuất… để kịp thời phát hiện, xử lý những đối tượng khai thác đất, cát trái phép.

Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, để đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép, huyện đã thành lập 3 tổ kiểm tra, trong đó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn, để kiểm tra, giám sát tất cả mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn xã, thị trấn. Ông Minh cũng cho rằng, hiện nay, nhu cầu về VLXD phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn là rất lớn. Trong khi đó, diện tích, khu vực được cấp phép khai thác không đủ để đáp ứng, dẫn đến tình trạng khai thác không phép. Vì vậy, tỉnh nên tạo cơ chế cấp phép khai thác khoáng sản thông thoáng hơn cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện nhằm giải quyết nhu cầu về VLXD. Đối với việc đào ao, san gạt mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp có phát sinh khối lượng vật liệu san lấp, đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định về việc tận dụng nguồn vật liệu san lấp trong trường hợp trên.

Đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện tại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xem xét cấp phép khai thác khoáng sản cho các DN đủ điều kiện. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan phải nghiêm túc, kỹ lưỡng trong việc đánh giá tác động môi trường và định hướng bảo vệ, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản. Các giải pháp phục hồi môi trường được ưu tiên thực hiện là trồng cây trên diện tích đất sau khi khai thác; cải tạo thành các hồ chứa nước phục vụ du lịch sinh thái và phục vụ dân sinh…


Số lượt đọc: 2239 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác