Học tập phong cách làm việc của Bác.
29/06/2017

Học theo gương Bác về phong cách làm việc quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm… rất cần thiết với mọi cán bộ, đảng viên, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

PHONG CÁCH QUẦN CHÚNG CỦA BÁC

Bác nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng” của cán bộ, đảng viên. Bác nói: Nếu cứ cậy quyền lực chỉ làm cho dân sợ, dân ngại, dân xa lánh và khinh ghét. Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp quần chúng, do đó trong hoạt động cách mạng Bác luôn có lòng tin vô tận đối với quần chúng và coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Năm 1961, khi về thăm lại Pác Bó, Cao Bằng, đồng bào tổ chức đón tiếp, Bác nói: “Tôi về thăm nhà mà sao phải đón tôi”. Khi đi thăm dân, Bác không muốn có nhiều bảo vệ, vì đã có nhân dân bảo vệ Bác…

Theo Bác, khi Nhà nước muốn xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc gì cũng phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế, đồng thời phải để cho từng người dân, từng gia đình, từng đơn vị bàn bạc kỹ lưỡng và hiểu thấu đáo để họ nắm vững, khi đó họ sẽ tự giác, tự động và vui vẻ thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đó.

Bác nói “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. “Cách tổ chức và làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải bỏ đi hoặc sửa lại … Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Nói về phong cách quần chúng, Bác còn dạy chúng ta phải hết sức chống “chủ nghĩa cá nhân”. Vì đó là thứ vi trùng phá hoại cơ thể người cán bộ, đảng viên, làm cho họ không thể làm được việc gì cho sự nghiệp cách mạng dù người đó rất tài giỏi.

VÀ KHOA HỌC

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, một trong những phong cách mà Người hay nhắc tới là phong cách “làm việc khoa học”. Bác nói: Khi làm việc phải khoa học, phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, phải có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu, đi sát, phải kiểm tra để nắm người, nắm việc, nắm tình hình. Không nên tham lam làm nhiều việc trong một lúc mà làm xong việc này mới làm sang việc khác, làm từ gốc, việc chính, từ việc nhỏ đến việc lớn. Mỗi khi làm xong một công việc phải biết tổng kết rút kinh nghiệm để làm “khuôn phép” cho những công việc khác, coi đó là “chìa khóa phát triển công việc để giúp cho cán bộ tiến tới”. Làm bất cứ công việc gì cũng cần tránh bệnh chủ quan, nếu không, kết quả công việc thường bị hạn chế, hiệu quả thấp, thậm chí thất bại. “Không có cái gì dễ, mà cũng không có cái gì khó”, nghĩa là, bất cứ công việc gì dù khó đến đâu nếu phấn đấu, có quyết tâm cao, có biện pháp tốt, kế hoạch khoa học thì nhất định thành công.

NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM

Về phong cách “nêu gương” và “nói đi đôi với làm”, Bác cũng thường căn dặn cán bộ: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Trong thực tế, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đằng làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân họ đã tự tước mất vai trò của người lãnh đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, trong mọi hoạt động, cách sống Người đã nêu tấm gương sáng ngời về phong cách làm việc. Đảng và nhân dân ta đã trân trọng gọi đó là phong cách Hồ Chí Minh.


Số lượt đọc: 3113 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác