Xã hội hóa việc tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch.
05/07/2017

Gần đây, một số tỉnh, thành tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch (VHTTDL) dài ngày để quảng bá, thu hút du khách. Cụ thể, Lào Cai có Lễ hội Du lịch mùa hè Sa Pa (từ 29-4 đến 30-6); Đà Nẵng tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế (từ cuối tháng 4 đến 24-6); Khánh Hòa tổ chức Festival Biển Nha Trang (từ ngày 10 đến 13-6); Quảng Nam tổ chức Festival Di sản (từ ngày 9 đến 14-6);

Quảng Ninh tổ chức Tuần Du lịch Hạ Long… Về mô típ, các sự kiện trên đều diễn ra dài ngày với các hoạt động: Thi đấu thể thao, triển lãm, hội thảo, trình diễn ẩm thực, biểu diễn văn hóa - nghệ thuật… nhằm thu hút du khách đến du lịch, tiêu dùng, sử dụng dịch vụ tại địa phương.

Theo thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa, trong 4 ngày diễn ra Festival Biển 2017 (từ ngày 10 đến 13-6), 117 lượt khách đã đến Khánh Hòa, trong đó 13 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 15% so với kỳ Festival Biển 2015; tổng doanh thu du lịch ước đạt 162,5 tỷ đồng (tăng hơn 25% so với kỳ Festival 2015). Sở Du lịch Đà Nẵng cũng ghi nhận, trong 2 tháng diễn ra lễ hội pháo hoa, công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn đạt hơn 95%; lượng khách du lịch tới Đà Nẵng tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Tại BR-VT, từ hơn chục năm trước, tỉnh đã tổ chức những sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế để thu hút du khách. Đầu tiên là Festival Biển Bà Rịa-Vũng Tàu (năm 2006), Giải Cờ vua trẻ thế giới (2008), Cuộc thi Hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt thế giới (2009), Lễ hội ẩm thực thế giới (2010)... Thế nhưng, những sự kiện này chỉ tạo được tiếng vang nhất định trong ngắn hạn tại địa điểm tổ chức mà chưa lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng dân cư, du khách, rồi dần đi vào quên lãng do không được duy trì.

Kinh nghiệm của các tỉnh cho thấy, để một sự kiện diễn ra thành công, cần phải có kế hoạch tổ chức dài hơi. Vừa bế mạc sự kiện lần này, đã phải xây dựng ngay kế hoạch cho lần tới trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến các khâu: Quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tạo hiệu ứng lan tỏa; kết nối thông tin để các DN du lịch, lữ hành trong, ngoài tỉnh tổ chức bán tour, tuyến; công tác đối nội, đối ngoại, mời khách tham dự… Để làm được các phần việc trên, đều phải có kinh phí. Thế nhưng, câu chuyện thu hút nguồn lực từ xã hội, DN để tổ chức sự kiện tại BR-VT lâu nay rất chật vật. Một số DN chưa mặn mà tham gia tổ chức các sự kiện, trong khi ngân sách Nhà nước lại hạn hẹp. Không tiền thì “lực bất tòng tâm”. Đó là nguyên nhân chính khiến các sự kiện của BR-VT “sớm nở tối tàn”. Từ thực tế các sự kiện được BR-VT tổ chức những năm qua, hiện chỉ còn Festival Diều quốc tế được duy trì hàng năm. Căn cứ vào điều kiện khí hậu, tính chất dân dã, dễ chơi, dễ gắn kết mọi người lại với nhau của bộ môn diều thì nên duy trì Liên hoan diều. Bên cạnh đó, một lễ hội khác cũng dễ có đất sống nếu được duy trì đó là Lễ hội ẩm thực biển.

Để giải bài toán kinh phí tổ chức sự kiện, DN và chính quyền địa phương cùng chung tay gánh vác. Khi sự kiện thu hút đông đảo du khách đến địa phương thì DN du lịch sẽ được hưởng lợi. Do vậy, DN phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí tổ chức. Tùy theo tỷ lệ đóng góp, DN sẽ được quyền lợi về quảng cáo, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong sự kiện. Ngân sách Nhà nước sẽ chi cho khâu quảng bá sự kiện trong vài lần đầu, sau đó các DN sẽ tự lo liệu. Điều cần lưu ý nữa là, khi tổ chức một sự kiện, cần ấn định lịch trình 1 năm hoặc 2 năm/lần và thời gian diễn ra. Không gian tổ chức sự kiện phải trải dài trên toàn tuyến biển Bãi Sau, Bãi Trước, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí “ăn theo” sự kiện. Thời điểm tổ chức có thể lựa chọn trước mùa du lịch hè hoặc sau Tết Nguyên đán.


Số lượt đọc: 2590 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác