Vườn rau "đa năng" trong trường mầm non
18/09/2017

Sáng tạo trong giảng dạy và học, một số trường MN trên địa bàn tỉnh đã tạo nên những vườn rau xanh ngay trong khuôn viên trường. Khu vườn không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn tạo ra sân chơi trải nghiệm thực tế lý thú cho trẻ.

GV LÀM NÔNG DÂN

Tới thăm Trường MN Phước Thạnh (huyện Đất Đỏ), chúng tôi không khỏi thích thú khi được ngắm nhìn một thảm xanh ở một góc phía sau trường. Mảnh vườn trên 600m2 tươi tốt mơn mởn với hàng chục loại rau quả như rau dền, rau muống, mùng tơi, rau cải, bí xanh, mướp, đậu cô ve... được lên luống, làm giàn gọn gàng. Cô Huỳnh Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường kể, trước đây, khu đất xung quanh dãy phòng học khu hiệu bộ của nhà trường toàn cát, đá, sỏi, hầu như không có cây xanh bóng mát. Với mong muốn phủ xanh vườn trường, hè năm 2014, nhà trường đã tập hợp toàn bộ cán bộ, GV, nhân viên đóng góp 1 ngày công, cùng nhau lượm đá, sỏi, dọn cỏ rác, làm đất trồng rau. Ban đầu, nhà trường cấp chi phí mua phân, giống, giao cho 2 bảo vệ và 10 cấp dưỡng đảm nhận việc chăm sóc vườn rau. Đến nay, toàn bộ công việc này do 2 bảo vệ phụ trách. Vườn rau được bón bằng phân hữu cơ, tưới nước sạch, không phun thuốc trừ sâu, bảo đảm an toàn thực phẩm để cung cấp cho bếp ăn của trường.

Cũng xuất phát từ trăn trở về nguồn rau sạch cho bếp ăn bán trú, hơn 3 năm nay, cán bộ, GV, nhân viên Trường MN Tuổi Thần Tiên (huyện Tân Thành) đã cải tạo vườn trường thành vườn rau xanh tốt có diện tích hơn 200m2. “Đầu năm học 2015-2016, Ban giám hiệu nhà trường đã đưa vấn đề xây dựng vườn rau sạch vào thảo luận trong hội nghị toàn trường. Nhiều GV chưa quen với công việc làm vườn nên tỏ ra e ngại. Tuy nhiên, sau khi được động viên, tất cả mọi người đều hăng hái bắt tay vào thực hiện”, cô Đoàn Thị The, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Nhà trường cải tạo vườn trường, lên luống, làm giàn, khoan giếng lấy nước tưới rau, làm hệ thống dẫn nước, gieo trồng các loại rau ngắn ngày và rau theo mùa. Để cải tạo đất vườn, nhà trường đã vận động phụ huynh ủng hộ đất để san nền trồng rau, đồng thời bổ sung thêm trùn quế, phân vi sinh, rơm mục để tăng khả năng giữ ấm, độ màu mỡ lâu dài cho đất. Nhận thấy hiệu quả thiết thực của vườn rau sạch, phụ huynh còn tự nguyện đóng góp tiền lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương tự động cho vườn rau, đóng góp hạt giống, phân bón; đoàn thanh niên khu phố cũng phối hợp với công đoàn nhà trường tham gia làm vườn vào dịp cuối tuần. Cán bộ, GV, nhân viên nhà trường còn thường xuyên tìm hiểu phương pháp trồng rau an toàn để bảo đảm chất lượng và năng suất.

VƯỜN RAU “ĐA NĂNG”

Theo cô Đoàn Thị The, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Thần Tiên, vườn rau trước hết là nguồn cung cấp rau, củ, quả an toàn cho bếp ăn bán trú. Mỗi năm, nhà trường tự sản xuất được khoảng 700kg rau ăn lá (phục vụ 2 bữa/tuần), 350kg rau ăn quả (phục vụ 1 bữa/tuần) và 950kg trái cây cung cấp cho bữa ăn của 290 trẻ. Do tự cung cấp được nguồn rau sạch nên số tiền mua rau cho bếp ăn được trích lại để trao học bổng cho 5 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi em 1 triệu đồng/năm và hỗ trợ công đoàn nhà trường 10 triệu đồng/năm học. Bên cạnh đó, nhà trường đã biến vườn rau thành địa điểm trải nghiệm lý thú cho HS bằng cách lồng ghép vào các chủ điểm trong chương trình cho phù hợp với từng độ tuổi. Ví dụ, với chủ đề về nghề nghiệp, GV trò chuyện với trẻ về nghề nông và cho các bé quan sát trực tiếp nghề trồng rau. Với chủ đề thế giới thực vật, các bé được quan sát sự phát triển của rau, nhận biết một số loại rau và thực hành trồng rau... Ngoài ra, công việc làm vườn còn là cơ hội để cán bộ, GV, nhân viên nhà trường lao động tập thể, thêm đoàn kết, gắn bó với nhau. 

Tương tự, tại Trường MN Phước Thạnh, vườn rau an toàn đã cung cấp hoàn toàn rau, củ cho bữa ăn của 534 trẻ. Chị Võ Thị Sáu, phụ huynh HS cho biết: “Bản thân tôi và nhiều phụ huynh khác rất ủng hộ sáng kiến này của nhà trường. Nhìn thực đơn của con được đổi mới mỗi ngày với các loại rau, củ do vườn trường cung cấp, chúng tôi bớt đi nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”. Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho bếp ăn và hỗ trợ hoạt động dạy trải nghiệm cho HS, tại Trường MN Phước Thạnh, vườn rau an toàn còn là giải pháp “gỡ” bài toán khó về nhân sự. Trước đây, nhà trường khá chật vật với việc tuyển dụng nhân viên bảo vệ do mức lương theo quy định chỉ khoảng 1,9 triệu đồng (chưa trừ bảo hiểm) nhưng phải làm việc cả ngày lẫn đêm. “Khó khăn lắm mới tuyển được người nhưng chỉ một vài tháng là họ xin nghỉ do thu nhập quá thấp, không bảo đảm cuộc sống”, cô Huỳnh Thị Hảo chia sẻ. Sau khi triển khai mô hình vườn rau an toàn, Ban giám hiệu nhà trường đã giao toàn bộ công việc này cho 2 bảo vệ đảm nhận. Chi phí mua rau cho bếp ăn được sử dụng để hỗ trợ thêm cho nhân viên bảo vệ. Nhờ ổn định cuộc sống, họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với nhà trường.

Xây dựng vườn rau trong trường học là hoạt động nổi bật trong chuyên đề đổi mới môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm của giáo dục MN. Năm học 2016-2017, BR-VT đã được Bộ GD-ĐT chọn làm điểm về chuyên đề này. Nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã xây dựng vườn rau quy mô, đủ cung cấp cho bếp ăn bán trú; các trường hạn chế về diện tích đất có thể trồng rau ở diện tích nhỏ hoặc trong thùng xốp. Mục đích của hoạt động này là để trẻ được trải nghiệm, làm quen với môi trường tự nhiên

 


Số lượt đọc: 2759 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác