Cựu chiến binh làm Bí thư Đoàn danh dự: Mô hình hay để tập hợp thanh niên
29/09/2017

Qua 4 năm thực hiện thí điểm mô hình “Cựu chiến binh làm Bí thư Đoàn danh dự” tại ấp An Đồng (xã An Nhứt), ấp An Thạnh (xã An Ngãi) và ấp Phước Lộc (xã Phước Hưng), Huyện Đoàn Long Điền phối hợp với Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên đến với tổ chức Đoàn.   

Anh Đỗ Minh Tân, Phó Bí thư Huyện Đoàn Long Điền cho biết, năm 2013, học tập mô hình tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn của huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh), Huyện Đoàn và Hội CCB huyện Long Điền đã tham mưu, đề xuất và được Huyện ủy đồng ý thực hiện thí điểm mô hình “CCB làm Bí thư Đoàn danh dự” tại 3 ấp nêu trên. Sau 4 năm thực hiện, mô hình này đã phát huy vai trò của CCB trong việc tập hợp, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).

CCB Đặng Văn Phước, 60 tuổi, ở ấp An Thạnh, xã An Ngãi, là người có uy tín, được bà con trong ấp yêu mến. Dù bận rộn với công việc làm bảo vệ tại Công ty Công nghệ mới (hương lộ 14, ấp An Thạnh), nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động của Chi Đoàn ấp với vai trò Bí thư Đoàn danh dự. Ông Phước cho biết, trước năm 2013, ở ấp An Thạnh, ĐVTN chưa quan tâm tham gia các hoạt động Đoàn. Từ khi thực hiện mô hình “CCB làm Bí thư Đoàn danh dự”, ông đã tích cực vận động thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn. Để nêu gương và thu hút ĐVTN, bản thân ông tham gia đầy đủ các buổi họp của Chi Đoàn ấp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, từ đó khuyên bảo, định hướng kịp thời. Ông cũng tích cực giáo dục tư tưởng chính trị cho ĐVTN thông qua những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội, về những hy sinh, mất mát của chiến tranh mà ông là người chứng kiến khi trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam giai đoạn 1977-1979. Ông còn thường xuyên tổ chức cho ĐVTN về nguồn tại các di tích lịch sử như: Di tích Minh Đạm, địa đạo Long Phước, căn cứ Rừng Sác (TP.Hồ Chí Minh)…

Anh Ngụy Đức Thông, Bí thư Chi Đoàn ấp An Thạnh cho biết, sau khi thực hiện thí điểm mô hình này, số lượng ĐVTN của Chi Đoàn tăng lên đáng kể: từ 15 ĐVTN (năm 2013) lên 33 ĐVTN. Các ĐVTN không những nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội như làm đường nông thôn, thu gom rác tại các khu vực công cộng…, mà còn vững vàng về tư tưởng chính trị, có lối sống lành mạnh.

Giống như những địa phương ven biển khác, phần lớn thanh niên ở ấp Phước Lộc (xã Phước Hưng) mưu sinh bằng nghề biển nên họ có ít thời gian tham gia hoạt động Đoàn. Với vai trò Bí thư Đoàn danh dự của ấp, CCB Nguyễn Văn Huề (61 tuổi, ở tổ 4, ấp Phước Lộc) đã tham mưu cho Hội CCB và Xã Đoàn Phước Hưng tổ chức nhiều hoạt động để thu hút ĐVTN. Bên cạnh đó, ông còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp các ĐVTN trong ấp vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Sau 4 năm thực hiện mô hình “CCB làm Bí thư Đoàn danh dự”, đến nay, Chi Đoàn ấp Phước Lộc đã phát triển lên 40 đoàn viên, gấp đôi so với trước. “Tôi từng đi bộ đội nên hay chia sẻ với các thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự về lề lối sinh hoạt, huấn luyện trong môi trường quân đội để các cháu khỏi bỡ ngỡ khi bước vào quân ngũ. Tôi cũng vận động các ĐVTN hỗ trợ ngày công để xây nhà cho hội viên Hội CCB ấp Phước Lộc, các cháu tham gia rất nhiệt tình”, CCB Nguyễn Văn Huề nói.

Anh Đỗ Minh Tân cho biết thêm, qua 4 năm thực hiện thí điểm mô hình “CCB làm Bí thư Đoàn danh dự” tại ấp An Đồng (xã An Nhứt), ấp An Thạnh (xã An Ngãi) và ấp Phước Lộc (xã Phước Hưng), Huyện Đoàn và Hội CCB huyện đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút nhiều HS, ĐVTN địa phương tham gia như: nói chuyện truyền thống cho gần 7.000 HS, ĐVTN; vận động ĐVTN tích cực tham gia phong trào “Nhật ký làm theo lời Bác” và “Nuôi heo đất thực hành tiết kiệm”; giới thiệu học nghề và tạo việc làm cho 25 lượt quân nhân xuất ngũ trở về địa phương; trao tặng 60 phần quà (tổng trị giá 16 triệu đồng) cho các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; tổ chức trồng cây xanh, vệ sinh khu vực nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương và sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách, CCB, cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn.

Theo anh Đỗ Minh Tân, mô hình này đã phát huy được kinh nghiệm, tinh thần gương mẫu của CCB, qua đó góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức chấp hành pháp luật cho ĐVTN; cổ vũ ĐVTN thực hiện tốt các phong trào thanh niên, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn và Hội CCB huyện vững mạnh. Huyện Đoàn sẽ phối hợp với Hội CCB huyện tham mưu Thường trực Huyện ủy nhân rộng mô hình, phấn đấu năm 2018 có hơn 50% Chi Đoàn khu phố, ấp trên địa bàn huyện thực hiện mô hình này.

 


Số lượt đọc: 2305 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác