Đầu tư tiền tỷ làm nông nghiệp công nghệ cao
30/10/2017

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, nhiều DN, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để làm nông nghiệp theo định hướng này. Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của các DN, cá nhân là đúng đắn, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến tham quan mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng theo chuẩn GlobalGAP của Công ty TNHH TM - DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát (thôn Sông Xoài 1, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức), chúng tôi nhận thấy, không gian nơi đây thật xanh mát, sạch sẽ. Hàng trăm trái dưa treo lúc lỉu trên cây trông thật đẹp mắt. Theo đại diện Công ty, hiện DN đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng 4 nhà màng trồng dưa lưới (mỗi nhà màng rộng 2.500m2), đồng thời liên kết với Công ty Nông Sinh Khang Nguyên (TP.Hồ Chí Minh) để cung cấp hạt giống, phân bón hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Anh Võ Hoàng Thanh Phong, quản lý cơ sở trồng dưa lưới của Công ty cho hay, lâu nay, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều của khí hậu, côn trùng, dịch bệnh… do cây trồng tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên. Với việc trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp dưa cách ly với côn trùng gây bệnh và không bị ảnh hưởng trước sự thay đổi bất thường của thời tiết. Cây dưa được trồng trong các túi giá thể chứa vật liệu sạch, nền nhà màng đất lót bạt để cây không tiếp xúc trực tiếp với đất. Các khâu chăm sóc, bón phân, tưới nước đều áp dụng theo công nghệ của Israel. Do đó, dưa bảo đảm an toàn thực phẩm và đạt chuẩn GlobalGAP. Hiện dưa lưới trồng trong nhà màng từ khi gieo hạt đến thu hoạch khoảng 70 ngày. Trọng lượng mỗi trái đạt từ 1,3kg – 1,5kg, mỗi nhà màng thu hoạch hơn 10 tấn dưa/vụ. Với giá bán lẻ dưa hiện nay từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt khoảng 40% tổng doanh thu.

Một DN khác cũng đã đầu tư tiền tỷ trồng dưa lưới công nghệ cao là Công ty Sản xuất - Thương mại Bà Rịa. DN này đã đầu tư trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà màng trên diện tích 2.000m2 theo công nghệ Israel tại xã Kim Long (huyện Châu Đức). Dưa được trồng trong các bầu giá thể tơ xốp, nhiều dinh dưỡng. Hệ thống tưới nhỏ giọt có thiết bị hẹn giờ, dẫn nước từ máy tưới đến tận gốc dưa theo đúng nhu cầu của cây. Phân bón được pha vào hệ thống nước, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng cho cây phát triển tốt nhất. Hiện dưa lưới của Công ty được tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Standardfood (Hà Nội) và một số cửa hàng thực phẩm sạch tại TP.Hồ Chí Minh.

Nhân viên Công ty TNHH TM - DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát kiểm tra tăng trưởng của dưa lưới trồng trong nhà màng. Ảnh: ĐINH HÙNG

Ngoài dưa lưới, hiện nay, tại huyện Châu Đức, một số cơ sở trồng nấm linh chi cũng mạnh dạn bỏ vốn để sản xuất theo công nghệ cao. Trại nấm linh chi của anh Vũ Văn Khánh (ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang) là một ví dụ. Đến nay, anh Khánh đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, trang trại, máy móc, nồi hấp, bể lọc nước… để trồng nấm trên diện tích gần 2ha. Mỗi năm trại nấm của anh Khánh sản xuất 3 vụ, thu hoạch hơn 10 tấn nấm thành phẩm các loại. Để nấm đạt chất lượng, khâu chăm sóc, thu hoạch và bảo quản phải tuân thủ nghiêm ngặt về độ ẩm, gió, ánh sáng, nguồn nước. Hiện nay, sản phẩm nấm linh chi do cơ sở anh Khánh sản xuất được của Công ty Minh Khải (TP.Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, các thương lái ở TX.Long Khánh (Đồng Nai) và một số cơ sở trong tỉnh BR-VT cũng đặt hàng anh Khánh sản xuất mặt hàng này. Với giá từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/kg (tùy loại), sau khi trừ chi phí, anh Khánh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ.

Ông Hồ Thúc Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, thực hiện Đề án số 04 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tính đến nay, trên địa bàn huyện Châu Đức đã có 6 DN đầu tư vốn, liên kết với các DN tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác (cung cấp giống, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm) để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện huyện Châu Đức đã quy hoạch 5,6ha đất để sản xuất rau sạch trong nhà màng và 3.000ha sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao. Thời gian tới, huyện tiến hành quy hoạch hơn 320ha đất cao su của Công ty CP Cao su Bà Rịa để kêu gọi DN đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.


Số lượt đọc: 2740 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác