Giáo viên ngại lên chức vì thu nhập giảm
12/12/2017

Nhiều nhà giáo khi sang làm quản lý bị mất phụ cấp thâm niên, thu nhập giảm nên không muốn được điều động, luân chuyển.

Sáng 12/12, hội thảo góp ý cho dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục tổ chức tại phía Nam, một lần nữa "nóng" về vấn đề tiền lương.

Ông Bùi Văn Hoàng, Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long (Đồng Nai) chia sẻ, ông từng được lãnh đạo ngành mời làm trưởng phòng đào tạo nhưng từ chối vì khi làm quản lý chế độ phụ cấp thâm niên sẽ mất, thu nhập giảm.

"Chế độ này chỉ áp dụng cho nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập", ông Hoàng nêu sự bất cập.

Theo ông Hoàng, nhiều giáo viên giỏi ở các trường cũng có tâm lý này khi được cất nhắc lên làm chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng bởi ngoài yếu tố thu nhập họ còn bị khống chế thời gian làm việc. Chẳng hạn giáo viên có thời gian nghỉ hè, trong khi chuyên viên chỉ được hưởng ngày nghỉ phép trong năm.

Hiệu trường trường THPT Chu Văn An (Đăk Nông) Phan Sỹ Quang trăn trở về tiền lương cho giáo viên và xã hội hóa giáo dục. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Hoàng ủng hộ điều luật tiền lương trong dự thảo là tiến bộ - khi quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định.

"Để khắc phục tình trạng giáo viên giỏi không muốn lên làm chuyên viên hoặc quản lý, dự thảo sửa đổi Luật giáo dục nên định nghĩa lại khái niệm nhà giáo, bao gồm không chỉ là người đứng lớp mà phải gồm cả người làm chuyên viên, cán bộ quản lý cấp phòng giáo dục trở lên", ông đề nghị.

Cùng quan điểm, Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng Anh (quận 5, TP HCM) Nguyễn Thị Hương cho rằng, khi lên làm cán bộ phòng giáo dục, lãnh đạo trường hoặc giáo viên sẽ mất gần nửa thu nhập so với ở cơ sở. Trong khi đó áp lực, trách nhiệm với công việc nhiều hơn nên không mấy người mặn mà.

Trình độ giáo viên mầm non ở TP HCM khá cao - phần lớn là cao đẳng, đại học nhưng khi xếp ngạch lương chỉ hưởng ở hệ số thấp nhất nên các trường mầm non ở tuyến dưới chật vật tuyển người.

Còn ông Phan Sỹ Quang - Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (Đăk Nông) - đặt vấn đề "tăng lương thì tăng thế nào, có đủ sống không, có xảy ra tình trạng lương chưa vào túi mà vật giá đã tăng?".

Theo ông Quang, nếu ngân sách đủ đáp ứng cho công tác giáo dục và trả tiền lương đủ sống cho giáo viên thì vị thế của nhà giáo sẽ được nâng lên rất nhiều.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, thành viên soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục. Ảnh: Mạnh Tùng.

Nói rõ hơn về vấn đề này, thành viên soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục - GS.TS Mai Hồng Quỳ (Hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM) - nhìn nhận quy định hiện hành về tiền lương cho nhà giáo còn nhiều hạn chế.

Phần lớn giáo viên từ tiểu học đến THPT đa phần thuộc nhóm viên chức A0 và A1 nên có 9-10 bậc lương trong mỗi ngạch. Cơ hội để nhà giáo chuyển sang ngạch cao khó hơn nhiều so với viên chức các lĩnh vực khác.

Bà Quỳ phân tích, ở bậc mầm non và tiểu học, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương là 24 năm, và số tiền tăng lên chỉ 2,8 triệu đồng. Con số này cũng tương tự với giáo viên bậc THPT với thời gian kéo dài 27 năm.

"Rõ ràng, lương quá thấp khó trở thành động lực cho nhà giáo cống hiến", bà Quỳ nhận xét và cho rằng việc tăng lương là cần thiết nhưng vấn đề là "tăng thế nào, kinh phí từ đâu".

Giải pháp được nữ GS.TS đề xuất là giảm số lượng giáo viên biên chế nếu hạn chế được thực trạng chương trình giáo dục quá nhiều, thời gian học dài, phương pháp dạy lạc hậu, ít áp dụng công nghệ. Cách khác là có thể chuyển sang cơ chế khoán quỹ lương cho đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, sử dụng hiệu quả nhân lực, giảm biên chế để tăng thu nhập cho nhà giáo.

Tại hội thảo, đại biểu đến từ Sở Giáo dục, trường học các tỉnh Kon Tum, Đăk Nông, Đồng Nai, TP HCM... cũng góp ý về vấn đề nâng cao chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, nâng từ trung cấp lên cao đẳng; vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến việc miễn học phí bậc THCS; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; xã hội hóa giáo dục...

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo sửa đổi 29 điều và bổ sung một điều mới.

Bộ Giáo dục sẽ tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa để gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 12, sau đó Bộ giải trình ý kiến thẩm định, chỉnh sửa dự thảo để trình Chính phủ trong tháng 1/2018.

 


Số lượt đọc: 2909 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác