Viện nghiên cứu V-KIST - bước đột phá cho khoa học Việt Nam
21/03/2018

Học tập theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc, V-KIST được kỳ vọng trở thành nhà cung cấp công nghệ hàng đầu cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 22/3, trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) sẽ được động thổ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) với sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước. Viện được kỳ vọng trở thành nhà cung cấp công nghệ, giải pháp cho doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

V-KIST là kết quả cuộc đàm phán của Thủ tướng Việt Nam với tổng thống Lee Myung-bak trong chuyến thăm chính thức tháng 3/2012. Tháng 5/2015, Chính phủ ban hành nghị định thành lập Viện V-KIST, hoạt động theo mô hình của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Đây là dự án viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc dành cho Việt Nam.

Lý do Việt Nam chọn KIST làm mô hình

KIST được Chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 1966, hiện là cái nôi phát triển khoa học công nghệ nước này. Viện nổi tiếng nghiên cứu theo đặt hàng và hầu hết sản phẩm được ứng dụng ở các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc. Theo thống kê của Hàn Quốc, các nghiên cứu của viện KIST đóng góp gần 30% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp nước này.

Viện KIST ở Hàn Quốc. Ảnh: Kist.re.kr

Để có được thành công trên, KIST được Quốc hội ban hành luật đặc biệt để không bị ràng buộc bởi các luật khác, kể cả ngân sách nhà nước. KIST được nguyên thủ quốc gia đỡ đầu, thời đó là tổng thống Hàn Park Chung-hee. Ông đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có chế độ tiền lương cho nhà khoa học cao gấp 3 lần lương giáo sư trong nước, kể cả việc chấp nhận mức lương cho giới khoa học trong viện cao hơn cả lương tổng thống. Nhờ đó Viện thu hút được đội ngũ nhà khoa học giỏi tới làm việc.

Theo nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, có 4 lý do để Việt Nam chọn KIST làm mô hình chứ không phải là viện nghiên cứu nổi tiếng khác trên thế giới. Thứ nhất, KIST nằm trong top 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel về công nghệ thường đến nói chuyện hoặc giảng bài.

Thứ hai, Hàn Quốc với Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Họ xây dựng viện KIST ngay sau chiến tranh Triều Tiên khoảng 10 năm, lúc đó Hàn Quốc cũng nghèo và gặp rất nhiều khó khăn như Việt Nam. Họ đã xây dựng Viện KIST thành công từ con số 0.

Thứ ba, mô hình, cơ chế hoạt động của viện KIST vẫn mang phong cách phương Tây, và điều này giúp Việt Nam học tập nhiều kinh nghiệm khác. Thứ tư, Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt ủng hộ dự án này và Hàn Quốc có thể viện trợ ODA cho Việt Nam.

Việt Nam chuẩn bị những gì cho V-KIST?

Sau 5 năm chuẩn bị hành lang pháp lý, các quy định về quản lý của Viện cơ bản hoàn thiện, gồm: thành lập hội đồng viện, bổ nhiệm viện trưởng, ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động, ban hành quy chế tài chính và bước đầu thiết lập cơ cấu tổ chức của viện để đi vào hoạt động.

Trên cơ sở ý kiến của bộ ban ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký hợp đồng thuê tiến sĩ Kum Dongwha đảm nhiệm chức vụ viện trưởng trong 5 năm, từ 1/5/2017 đến 30/4/2022. Ông từng giữ chức Viện trưởng Viện KIST giai đoạn 2006-2008. Viện có quyền tự chủ tự quyết. 

Mô hình V-KIST tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: KOICA.

Về quy chế tài chính, trước đây dự thảo đề xuất mức lương cao vượt trội cho các cán bộ của V-KIST theo thông lệ quốc tế, nhưng vấp phải nhiều ý kiến của các bộ ngành liên quan. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ thu nhập cho các cán bộ V-KIST bên cạnh mức lương từ ngân sách Việt Nam theo quy định. Hàn Quốc đã đồng ý.

Cụ thể, các cán bộ của V-KIST sẽ được hưởng mức lương gấp 2 lần so với thông thường từ ngân sách nhà nước và không phân biệt quốc tịch, đồng thời sẽ được hưởng thêm trợ cấp từ Chính phủ Hàn Quốc. Hiện Quy chế Tài chính được rà soát và chuẩn bị ban hành.

Khi V-KIST chưa kiện toàn bộ máy hoạt động, Bộ Khoa học tạm giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và cho phép thành lập Ban quản lý dự án xây dựng. Đến nay, Ban quản lý dự án đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết về hành chính và nhân sự để chính thức đi vào hoạt động.

Hai lĩnh vực V-KIST ưu tiên

Để V-KIST có thể thích ứng với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam và quyết định cáclĩnh vực cụ thể cần tập trung trong tương lai, Việt Nam và Hàn Quốc đã nghiên cứu khảo sát công nghiệp, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp của Việt Nam và một số cơ quan có liên quan. Đoàn nghiên cứu gồm 8 chuyên gia Hàn Quốc và 8 chuyên gia Việt Nam làm việc từ tháng 10/2016.

Qua khảo sát, V-KIST quyết định chọn công nghệ thông tin và công nghệ sinh học là hai ngành mũi nhọn để phát triển trong thời gian tới. Lý giải điều này, Viện trưởng Kum Donghwa cho biết, đây là hai lĩnh vực đóng vai trò quan trọng, động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và trong tương lai.

Tiến sĩ Kum Donghwa nêu rõ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Viện sẽ tập trung vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao giá trị thảo dược Việt Nam.

Nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vào tháng 3/2012, Thủ tướng đã đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam triển khai thành lập V-KIST theo mô hình KIST. Ngày 29/7/2013, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt danh mục dự án “Hợp tác xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc" tại Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản của dự án.

Ngày 9/9/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ký thỏa thuận về việc Hàn Quốc sẽ hỗ trợ không hoàn lại số vốn 35 triệu USD để thành lập V-KIST tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Tháng 8/2014, phía Hàn Quốc hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và kế hoạch tổng thể về dự án.

Ngày 24/10/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc đã ký Biên bản thảo luận về dự án Thành lập V-KIST. Ngày 18/5/2015, Chính phủ đã ban hành nghị định về việc thành lập Viện V-KIST.

Ngày 10/4/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định về việc phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Viện trưởng V-KIST. Ngày 11/5/2017, Bộ quyết định về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của V-KIST.


Số lượt đọc: 1201 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác