Thêm VietinBank, Vietcombank tăng phí rút ATM nội mạng
09/05/2018

Sau Agribank, hai ông lớn ngân hàng cũng tăng phí rút nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng, một vài loại thẻ phải chịu tới 2.200 đồng.

Từ ngày 5/5, phí rút tiền của chủ thẻ Vietinbank tại các ATM VietinBank đã được tăng lên 1.560 đồng (đã gồm VAT) với thẻ thông thường và 2.200 đồng (với thẻ Gold, Pink). Phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM của VietinBank được thông báo là 11.000 đồng.

Tương tự, từ ngày 16/5, Vietcombank cũng nâng phí rút tiền nội mạng lên 1.560 đồng, bằng với mức tăng của Agribank, VietinBank.

Như vậy, sau Agribank, các ông lớn ngân hàng dẫn đầu về phát hành thẻ ghi nợ nội địa khác - cũng đã tăng phí rút tiền nội mạng tại ATM. 

Mức phí rút ATM 1.100 đồng của Vietcombank sẽ được tăng lên 1.650 đồng từ ngày 16/5. Ảnh: Anh Tú.

Phí rút tiền tại ATM ngoại mạng của các chủ thẻ ba ngân hàng này vẫn là 3.300 đồng một giao dịch.

Trước đó, chia sẻ tại một diễn đàn hôm 8/5, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam cho rằng việc các ngân hàng tăng phí dịch vụ là "theo thông lệ quốc tế" và "đã có lộ trình từ trước".

Ông cho biết, Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3 năm 2013. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Và thực tế, đến nay, mức trần thu phí ATM mới được một số ngân hàng áp dụng.

Từ đầu tháng 3, Vietcombank và một loạt ngân hàng cổ phần liên tục tăng phí dịch vụ, trong đó có phí SMS Banking, phí giao dịch điện tử, phí liên ngân hàng. Từ đầu tháng 3, Vietcombank thu phí SMS Banking tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng mỗi tháng (đã bao gồm VAT). Ngoài ra, nếu trước đây người dùng Vietcombank chuyển khoản trong cùng hệ thống qua ứng dụng Mobile Banking hay Mobile Bankplus được miễn phí thì hiện cũng mất phí.

Việc tăng phí dịch vụ nằm trong kế hoạch mở rộng thu nhập ngoài lãi (cho vay tín dụng) của các ngân hàng cổ phần trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn bị Ngân hàng Nhà nước khống chế theo một "quota" nhất định, thường không quá 20%. Trong khi đó, năm 2018, rất nhiều nhà băng vẫn lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 30-40% so với 2017.


Số lượt đọc: 2452 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác