Thực tế cho thấy, việc được cấp các văn bằng bảo hộ đã giúp nông sản BR-VT tăng thêm giá trị và dễ tiêu thụ hơn nhờ có thương hiệu. Do đó, hiện nay, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
TĂNG GIÁ TRỊ NHỜ CÓ THƯƠNG HIỆU
Du khách tham quan quy trình nấu rượu truyền thống ở ấp Đông, xã Hòa Long (TP.Bà Rịa).
Với diện tích canh tác 827ha, sản lượng gần 60.000 tấn/năm, sản xuất muối là một trong những lĩnh vực quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, muối BR-VT có chất lượng cao hơn so với các sản phẩm cùng loại của một số địa phương khác. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu nên giá muối của tỉnh luôn ở mức thấp. Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Muối Bà Rịa” cho sản phẩm muối BR-VT. Nhờ có thương hiệu, việc tiêu thụ sản phẩm muối đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Văn Phúc, thôn 8, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu là chủ của 1 trong 2 cơ sở sản xuất muối được Chi cục Phát triển nông thôn chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu “Muối Bà Rịa”. Ông Phúc cho biết: Từ khi có thương hiệu, sản phẩm muối thô của tỉnh đã được biết đến rộng rãi hơn trên thị trường. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đã chọn muối BR-VT làm nguyên liệu do bảo đảm về chất lượng, thuận lợi về pháp lý khi xuất khẩu do có văn bằng bảo hộ về nhãn hiệu. Vì vậy, giá muối BR-VT luôn cao hơn các sản phẩm cùng loại của các tỉnh khác từ 150-200 đồng/kg.
Tương tự, sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng BR-VT cũng có giá hơn sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn xuồng cơm vàng BR-VT”. Sau khi có “giấy thông hành” này, HTX Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) đã nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách ứng dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, đồng thời thiết kế bao bì, nhãn mác bắt mắt. Nhờ đó, trái nhãn xuồng cơm vàng do HTX Nhân Tâm sản xuất đã vào được các hệ thống siêu thị như Maximark, Co.opMart… Hiện nay, dù giá loại trái cây này của BR-VT luôn cao hơn các tỉnh khác 5-7 ngàn đồng/kg, nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng.
Gần đây nhất, rượu Hòa Long, một đặc sản của tỉnh đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể và chuyển giao cho HTX Hòa Thành quản lý, sử dụng. Nhờ đó, sản phẩm này tiêu thụ tăng từ 350-400 lít/tháng so với trước. Ông Nguyễn Vĩnh Lộc, Giám đốc HTX Hòa Thành cho biết, tới đây, sẽ HTX sẽ cho ra đời những sản phẩm với mẫu mã đa dạng hơn, bên cạnh đó là những dòng sản phẩm mới như rượu ngâm sâm Côn Đảo, rượu nếp Hòa Long… HTX cũng kết hợp với các DN du lịch đưa du khách về tham quan các làng nghề nấu rượu. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có hơn 500 lượt khách đến tham quan, đem về nguồn thu hơn 95 triệu đồng.
ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO NÔNG SẢN BR-VT
Bà Trần Kim Liên, Phó Phòng Quản lý KH-CN cơ sở, Sở KH-CN cho biết, nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở KH-CN đã triển khai 5 đề án xin cấp các văn bằng, nhãn hiệu tập thể cho một số loại đặc sản. Vừa qua, bánh khọt Vũng Tàu và rượu Hòa Long đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 loại nông sản đã được cấp văn bằng chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, bao gồm: Hồ tiêu BR-VT, nhãn xuồng cơm vàng, muối Bà Rịa, mãng cầu ta BR-VT, bún Long Kiên, bánh tráng An Ngãi, hàu Long Sơn, rượu Hòa Long, bánh khọt Vũng Tàu. Hiện nay, Chi cục Phát triển nông thôn và Sở KH-CN đang tiến hành làm hồ sơ xin cấp bảo hộ nhãn hiệu cho một số loại nông sản như: Bưởi da xanh Sông Xoài, cá và mực một nắng Côn Đảo, thanh long Xuyên Mộc, chả cá Phước Hải… Việc được bảo hộ về nhãn hiệu đã giúp nâng cao giá trị, giúp quảng bá các loại nông sản này tới thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số lượng nông sản được bảo hộ vẫn còn khá ít. Nguyên nhân của việc này là do thủ tục xin cấp các văn bằng bảo hộ nhãn hiệu khá phức tạp và tốn thời gian (từ 1,5-2 năm) và tốn chi phí khá lớn. Bên cạnh đó, việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa cao nên một số sản phẩm chưa đồng đều về mẫu mã, chất lượng nên khi xin cấp các văn bằng bảo hộ gặp khó khăn.
Còn theo ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, xây dựng được thương hiệu nông sản đã khó, giữ vững còn khó hơn. Do đó, khi đã có được thương hiệu trên thị trường, bà con nông dân cần tiếp tục duy trì quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách hỗ trợ nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, hạn chế sản xuất tự phát, quy mô nhỏ.
- Làm gì để phòng tránh sét? (24/06/2020)
- Ứng dụng chế phẩm chứa nano bạc phòng trừ bệnh trên rau. (06/05/2020)
- Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam. (23/03/2020)
- VNPT giành cú đúp giải thưởng lĩnh vực số của tạp chí IFM. (12/02/2020)
- Thúc đẩy ứng dụng KH-CN vào sản xuất. (23/09/2019)
- Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76% (04/07/2019)
- Lo "vỡ" kế hoạch trồng rừng. (24/05/2019)
- CHÀO MỪNG NGÀY KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ 18-5: Kết nối cung - cầu công nghệ. (17/05/2019)
- Kỹ thuật tạo giống lúa cao hơn đầu người, năng suất 30 tấn/ha (04/03/2019)
- Thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ (01/11/2018)