BHXH tự nguyện "cứu cánh" của người già.
22/07/2018

Hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 22% người cao tuổi (NCT) có chế độ BHXH và hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Phần đông NCT phải làm việc để tự nuôi bản thân mình hoặc sống phụ thuộc vào con. Để giúp NCT có hưu trí, tự chủ cuộc sống khi về già, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai chính sách BHXH tự nguyện, tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, hiện vẫn rất ít người tham gia.

Cụ Bùi Thị Móng (70 tuổi, ở 682/6/5, đường 30-4, TP.Vũng Tàu) không có điều kiện tham gia BHXH, cuộc sống trở nên khó khăn khi về già.

Bà Trần Thị Tuyết (SN 1952, hẻm 888 đường 30-4, TP.Vũng Tàu) khá an nhàn khi về già, mặc dù bà sống đơn thân. Cách đây hơn 20 năm, bà làm nhân viên tạp vụ tại một cơ quan ở tỉnh Tây Ninh, được tham gia BHXH diện bắt buộc. Do sức khỏe không bảo đảm nên khi hơn 40 tuổi, bà nghỉ việc giữa chừng. Đến năm 2009, khi chính sách BHXH tự nguyện được triển khai, bà đã chắt góp tham gia. “Chịu khó chắt chiu, tiết kiệm tôi vẫn có thể trích nộp BHXH để được hưởng lương hưu khi đến tuổi. Tôi thấy mình may mắn vì đã có sự lựa chọn đúng là tham gia BHXH tự nguyện”, bà Tuyết nói.

Tuy nhiên, những trường hợp như bà Tuyết là không nhiều. Thống kê cho thấy, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu còn rất ít trên tổng dân số của tỉnh (3.600 người/1,120 triệu dân). Trong số 3.600 người tham gia BHXH đa phần là người tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ năm nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. 

Ông Trần Đức Lục, Phó Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 89.200 NCT, trong số này có gần 17.500 người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội và khoảng 3.000 người có chế độ BHXH hàng tháng. Số đông NCT đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất hoặc sống phụ thuộc vào con cái.

Xuất phát từ thực tế cuộc sống chật vật của nhiều NCT khi về già không có lương hưu, đặc biệt là chiều hướng dân số già của nước ta đang gia tăng nhanh; từ năm 2008, BHXH Việt Nam đã triển khai chương trình BHXH tự nguyện dành cho các đối tượng từ 15 tuổi trở lên chưa tham gia BHXH bắt buộc và không khống chế trần tuổi. Chương trình khuyến khích người trong độ tuổi lao động tham gia để có các chế độ hưu trí, tử tuất khi về già. Trong đó, có cả các đối tượng nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Việc tham gia BHXH tự nguyện giúp những người lao động tự do khi về già có lương hưu và hưởng chế độ tử tuất. Đây được xem là một chính sách nhân văn, giải pháp của Đảng và Nhà nước ta giúp NCT khi về già có lương hưu, ổn định cuộc sống và không trở thành gánh nặng cho con cháu hay xã hội. Song sau 10 năm triển khai, chính sách này vẫn “dẫm chân tại chỗ”, bởi số người tham gia BHXH tự nguyện rất khiêm tốn. Nhiều người đang trong độ tuổi lao động không mặn mà tham gia, dù biết rằng chính sách này có lợi cho mình về lâu dài. 

Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, song kết quả vẫn không đạt như ý muốn. Bên cạnh chế độ BHXH tự nguyện còn ít, thì công tác tuyên truyền chưa đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương cũng làm ảnh hưởng đến kết quả. Do đó, về phía ngành BHXH tỉnh chỉ có thể tập trung vào giải pháp tuyên truyền cho người dân hiểu về những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. “Thời gian tới, ngành BHXH tỉnh sẽ đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng phối hợp với các đại lý thu, hội, đoàn thể đến từng khu dân cư để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện”, ông Hưng nói thêm.


Số lượt đọc: 2221 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác