Nghệ sĩ và truyền thông
17/05/2019
Nghệ sĩ và truyền thông là đôi bạn thân thiết, có mối quan hệ tương hỗ gắn kết, khó thể tách rời. Nghệ sĩ cần truyền thông để truyền tải những hoạt động, thông tin, sản phẩm đến khán giả; truyền thông thì cần thông tin của nghệ sĩ để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về thần tượng của công chúng. Nghệ sĩ không có truyền thông thì khó có tên tuổi. Ngược lại truyền thông không đưa tin về nghệ sĩ thì sẽ khó thu hút người xem. Thế nên hầu hết các báo đều dành một chuyên mục cho nghệ sĩ dù chuyên mục đó có mang tên Giải trí, Sao Việt, Nghệ sĩ hay Nghệ thuật đi chăng nữa. 

Ca sĩ Ngọc Sơn tham gia biểu diễn trong Đêm nhạc “Dạ khúc Bolero 2018” gây quỹ khuyến học, được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh BR-VT tối 10-11-2018. Ảnh: ĐINH HÙNG

Thực ra từ rất lâu trước đây, thời đất nước đang còn chiến tranh, nghệ sĩ và truyền thông đã luôn sát cánh bên nhau. Phương tiện truyền thông hồi đó ít ỏi và thô sơ nhưng những giọng hò điệu hát, những sáng tác mới từ một bài thơ, một ca khúc, cho tới một bộ phim một vở kịch và thông tin về các hoạt động nghệ thuật của các văn nghệ sĩ vẫn đến được với đông đảo quần chúng nhân dân. Tên tuổi của các nghệ sĩ như Quốc Hưng, Tân Nhân, Trà Giang, Thế Anh, Lâm Tới, Chu Thúy Quỳnh, Nguyễn Tiến Thọ… đã nhờ đó mà trở nên quen thuộc với công chúng yêu nghệ thuật. 

Tới thời đổi mới, phương tiện truyền thông hiện đại, phong phú hơn. Những tiết mục biểu diễn được chuyển tải tới công chúng nhanh chóng và rộng rãi. Phần lớn công chúng xem ca nhạc, phim ảnh qua các phương tiện truyền thông, công chúng đến rạp ít dần, sân bãi gần như bị dẹp bỏ. Ngoài ra nếu các nghệ sĩ biểu diễn tại sân khấu, rạp hát mà không có truyền thông thì tiết mục đó cũng chỉ đến được với một bộ phận nhỏ công chúng không quá vài ngàn người, còn nếu chương trình nghệ thuật biểu diễn qua truyền hình thì hàng triệu người trong nước và trên thế giới đều xem được. Truyền thông đưa những giá trị nghệ thuật của tác phẩm đến với công chúng và đồng thời cũng làm tỏa sáng tài năng của người nghệ sĩ. Như vậy thời nào thì truyền thông cũng nâng đỡ, làm cho nghệ sĩ nổi đình nổi đám và ngược lại nhờ nghệ sĩ mà truyền thông báo chí trở nên sinh động, hấp dẫn, nhiều màu sắc hơn.  

Thế nhưng mặt trái của cơ chế thị trường đã có tác động tiêu cực đến cả hai giới nghệ sĩ và truyền thông khi họ ngoài hỗ trợ còn lợi dụng lẫn nhau để nhằm mục đích vụ lợi. Rất nhiều người “tài năng có hạn mà thủ đoạn có thừa” sẵn sàng tung chiêu trò nhảm nhí, chấp nhận tai tiếng để được nổi tiếng và thực tế không ít người đã thành công, lợi dụng báo chí truyền thông để trở thành người của giới showbiz. Những người này không phải là nghệ sĩ. Họ cũng gần như không bao giờ nhận được sự yêu mến, tôn trọng của khán giả. Trường hợp thứ hai là các nghệ sĩ không tên tuổi nhờ hợp tác với truyền thông tung chiêu trò nọ kia mà thành ngôi sao nổi tiếng. Tuy vậy sự nổi tiếng không nhờ nỗ lực sáng tạo lao động nghệ thuật mà bằng các scandal ấy khiến họ dẫu sau này có sở hữu lượng fan đông đảo cũng vẫn phải gánh chịu những điều tiếng không dễ chịu gì khi bao chuyện đời tư trong đó phần lớn là những chuyện tình ái ăn chơi, có cả những sai lầm, những vết nhơ cần che giấu cũng bị phô bày. Những chuyện không hay ho ấy có thể sẽ ảnh hưởng, thậm chí hủy hoại cả cuộc đời họ. Trường hợp thứ ba dành cho những nghệ sĩ có thực tài, họ có thể vô tình hay cố ý nhưng cuối cùng cũng vẫn là dựa vào truyền thông mà nổi tiếng. Những nghệ sĩ này nổi tiếng và đạt được nhiều thứ một cách rất nhanh chóng nhưng họ thường cũng phải trả một cái giá không nhỏ khi cuộc sống riêng tư bị quan tâm quá mức. Câu chuyện ca sĩ Hương Tràm tuyên bố ngừng biểu diễn để đi du học vì mắc chứng trầm cảm nặng do những áp lực của sự nổi tiếng quá nhanh, quá sớm là một ví dụ. 

 Về phía truyền thông, mấy năm gần đây đã có rất nhiều báo chí và chương trình truyền hình bị khán giả phê phán, thậm chí tẩy chay vì quá coi trọng tính giải trí, chăm chăm xây dựng những chương trình câu khách rẻ tiền, thiếu sự chân thật và tính nghệ thuật. Một số báo, đài nhận tiền để lăng xê cho những nhân vật ít tài năng thừa tham vọng nhưng cũng có những phóng viên vô tình bị cuốn vào vòng xoáy đó. Chả thế mà trong một thời gian dài những nhân vật như Lệ Rơi, bà Tưng, Ngọc Trinh và một số nghệ sĩ đầy tai tiếng khác cứ xuất hiện tràn lan trên khắp các mặt báo, trở thành tiêu điểm của truyền thông mà không hề tham gia bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào ngoài chuyện lên báo khoe của, khoe thân và phát ngôn gây sốc. Gần đây nhất là chuyện Đoàn Thị Hương, cô gái vô tình dính vào vụ án giết người và bị tạm giam suốt hai năm ở Malaysia. Ngày 3/5 vừa qua, sau những nỗ lực của bộ ngoại giao, giới luật sư và báo chí chân chính, cô mới may mắn thoát khỏi án tử và được hồi hương. Vui mừng là lẽ đương nhiên. Báo chí quan tâm cũng là lẽ đương nhiên thế nhưng việc cô ăn mặc cư xử như một minh tinh và được giới báo chí lá cải săn đón, tung hô như một ngôi sao đã khiến dư luận bức xúc. 

Ngoài chuyện tung hô những người không xứng đáng, truyền thông còn khiến các nghệ sĩ cũng như dư luận lo ngại vì chuyện bóp méo phát ngôn, bới móc đời tư của người nổi tiếng gây ra những hiểu lầm, nghi kị, bất hòa giữa các nghệ sĩ với nhau cũng như sự xa lánh, ghét bỏ của công chúng với thần tượng. Việc này xảy ra rất nhiều mà điển hình là trường hợp của nghệ sĩ Lê Giang và chồng cũ: diễn viên hài Duy Phương.  

Ai cũng biết nghệ sĩ và truyền thông thời nay phải đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt. Nghệ sĩ chỉ ngừng nghỉ một thời gian là có thể sẽ bị chìm vào quên lãng vĩnh viễn. Báo chí hiện đại cũng khó tồn tại nếu không có những bài những tin đáp ứng nhu cầu của đa số công chúng hay tò mò. Ngoài ra, nghệ sĩ nào cũng biết nổi tiếng nhờ chiêu trò thì nhanh và dễ hơn so với lao động nghệ thuật nghiêm túc. Nhà báo nào cũng hiểu viết một bài báo đàng hoàng mà có lượng người đọc cao khó hơn nhiều so với viết một bài báo khai thác chuyện đời tư hoặc đưa một cái tin với những tấm hình khoe thân bắt mắt. Thế nên mới có chuyện có một thời gian dài cứ mở báo ra là thấy chuyện riêng tư, kín hở của giới showbiz trong khi những thông tin nghệ thuật chính thống, những người nghệ sĩ thật sự, nếu không scandal thì lại bị chìm khuất ở phía sau.  

Nếu như nghệ sĩ và giới truyền thông ý thức rõ vai trò trách nhiệm của mình, quan tâm tới nhu cầu giải trí nhưng cũng coi trọng chức năng định hướng, giáo dục nhận thức cho khán giả. Và nếu như độc giả có bộ lọc tốt, quan tâm tới nghệ thuật chân chính hơn là xoi mói quá đà vào những chuyện hậu trường của giới biểu diễn thì có lẽ những chiêu trò của giới showbiz và truyền thông sẽ không còn chỗ đứng và đời sống nghệ thuật cũng sẽ đỡ xô bồ, phức tạp hơn.


Số lượt đọc: 3527 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác