Lãnh đạo Bộ KH-CN và Sở KH-CN cắt băng khai trương điểm kết nối cung cầu tỉnh BR-VT, điểm kết nối thứ 9 của Việt Nam.
DOANH NGHIỆP CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sản xuất ca cao Thành Đạt (ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết, ông đã tham gia nhiều hoạt động KH-CN và quảng bá sản phẩm ca cao cũng như các loại máy móc, thiết bị sản xuất cao cao thông qua các hoạt động kết nối KH-CN do tỉnh tổ chức. Qua các kênh thông tin này, nhiều khách hàng và đối tác đã tin dùng sản phẩm ca cao Thành Đạt. Từ đó, DN đã bước đầu cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp, Nga… Ngoài ra, một số đối tác hiện đang đặt mua các thiết bị do ông sáng chế như: máy rang, máy ép, máy thổi vỏ, máy nghiền mịn, máy ép bơ, máy nghiền bột, máy phối trộn… để chế biến ca cao.
Một trong những hoạt động kết nối cung - cầu KH-CN nổi bật nhất của tỉnh là tháng 11-2018, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Vifarm đã tổ chức lễ công bố nhà đầu tư chiến lược DL Edvance PTE LTD (Singapore) và chiến lược kinh doanh của Vifarm. Theo đó, DL Edvance PTE LTD và Vifarm hợp tác trong lĩnh vực sản xuất rau công nghệ cao. Ông Cao Nhật Anh Tú, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Vifarm cho biết, với sự hợp tác này, DL Edvance PTE LTD trở thành cổ đông lớn của Vifarm với vốn góp khoảng 30%. Thời gian tới, Vifarm sẽ phát triển với 3 mục tiêu chính: trở thành một trong những đơn vị sản xuất và cung ứng nông sản hàng đầu Việt Nam; chuyển giao công nghệ, quy trình và trang thiết bị công nghệ cao trong nông nghiệp; trở thành viện đào tạo nông nghiệp công nghệ cao “thực tiễn” và “hiệu quả” nhất Việt Nam. “Thành công đó là minh chứng cho hiệu quả của việc kết nối cung - cầu công nghệ mà nhiều năm qua tỉnh và các DN làm công nghệ trên địa bàn tỉnh đang theo đuổi”, ôngTú nói.
MỞ RỘNG CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP
Tiến sĩ Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH-CN) cho biết, hiện nay, ngoài một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng… phần lớn DN nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Đối với các DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhóm DN có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ dưới 20% (chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài).
Trước yêu cầu hội nhập sâu rộng hiện nay, muốn sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường trong nước và thế giới, các DN buộc phải đổi mới, chuyển giao công nghệ và kết nối cung - cầu công nghệ. Để làm được điều này, các DN cần trang bị kiến thức, kinh nghiệm, nắm vững các quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, đặc biệt cần có sự hỗ trợ của các tổ chức dịch vụ tư vấn trong giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, cần có tổ chức chuyên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cung và cầu công nghệ cả trong và ngoài nước. Nhà nước cần tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao, các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Khách hàng tham quan ứng dụng công nghệ tưới bù áp tại điểm kết nối cung - cầu công nghệ tỉnh BR-VT. Ảnh: QUANG VŨ
Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN, kết nối cung - cầu công nghệ thực chất là việc cung cấp thông tin về thị trường công nghệ thông qua các mô hình hội chợ triển lãm truyền thống, techmart - chương trình kết nối cung - cầu công nghệ… Đó là cơ sở để Sở KH-CN phát huy vai trò cầu nối giữa DN, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý địa phương trong việc tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Cụ thể, ngày 17-5, Sở KH-CN đã khai trương điểm kết nối cung - cầu công nghệ tỉnh BR-VT, điểm kết nối thứ 9 tại Việt Nam được đặt tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH-CN (202 Bạch Đằng, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa). Đây là nơi kết nối hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, đưa nhanh ứng dụng tiến bộ KH-CN vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; kết nối nhu cầu mua - bán công nghệ giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với DN và người tiêu dùng. “Việc hình thành và đưa vào hoạt động điểm kết nối cung - cầu công nghệ là một trong những giải pháp để phát triển các loại hình tổ chức trung gian của thị trường KH-CN, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, xúc tiến chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, DN và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của DN, chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, ông Quang nói.
- Làm gì để phòng tránh sét? (24/06/2020)
- Ứng dụng chế phẩm chứa nano bạc phòng trừ bệnh trên rau. (06/05/2020)
- Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam. (23/03/2020)
- VNPT giành cú đúp giải thưởng lĩnh vực số của tạp chí IFM. (12/02/2020)
- Thúc đẩy ứng dụng KH-CN vào sản xuất. (23/09/2019)
- Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76% (04/07/2019)
- Lo "vỡ" kế hoạch trồng rừng. (24/05/2019)
- Kỹ thuật tạo giống lúa cao hơn đầu người, năng suất 30 tấn/ha (04/03/2019)
- Thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ (01/11/2018)
- Phòng chống dông sét mùa mưa. (12/08/2018)