Ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai.
20/06/2019

Ngày 20/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh BR-VT.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm công nghệ phòng chống thiên tai được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: THỐNG NHẤT

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, trong năm 2018, cả nước bị ảnh hưởng bởi 16 hình thái thiên tai như: 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận dông, lốc sét, 15 trận lũ quét, sạt lở đất; 30 đợt mưa lớn diện rộng… Tổng thiệt hại về người và tài sản có giảm, song vẫn còn rất nặng nề với 224 người chết và mất tích (giảm 30% so với năm 2017), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỷ đồng).

Tại BR-VT, từ đầu mùa mưa, tỉnh đã triển khai phương án ứng phó sự cố thiên tai tại địa phương, trong đó chú trọng thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ). BR-VT cũng tổ chức tốt các kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, gồm: Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân và cộng đồng; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động phù hợp các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai.


Số lượt đọc: 2468 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác