Bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ.
10/07/2019

Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều cơ sở chuyên ngành, DN sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong quá trình hoạt động sản xuất. Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong phế liệu kim loại nhằm kịp thời xử lý sự cố có thể xảy ra.

Lực lượng chức năng tham gia diễn tập ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh tại KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu).

NHIỀU NGUỒN PHÁT SINH PHÓNG XẠ 

Theo Sở KH-CN, trên địa bàn tỉnh có 53 cơ sở y tế sử dụng thiết bị X-quang (có bức xạ) với 103 thiết bị X-quang đã được cấp phép. Các cơ sở y tế đều tuân thủ quy định của pháp luật về việc khai báo, cấp phép và thực hiện bảo đảm an toàn bức xạ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố liên quan đến bảo đảm an toàn bức xạ trong lĩnh vực y tế. Trong lĩnh vực công nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở bức xạ, 387 nguồn phóng xạ các loại và 50 thiết bị bức xạ được sử dụng, lưu giữ. Ngoài ra, có 5 cơ sở bức xạ ngoài tỉnh thực hiện khai báo với địa phương về hoạt động bức xạ trên địa bàn tỉnh, với 118 nguồn phóng xạ và và 24 thiết bị bức xạ. 

Theo quy định, nguồn và thiết bị bức xạ trong công nghiệp do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH-CN quản lý và cấp phép sử dụng, lưu giữ. Việc sử dụng phế liệu kim loại làm nguyên liệu sản xuất sắt thép cũng tiềm ẩn nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Toàn tỉnh hiện có 6 cơ sở sản xuất thép, gồm: Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam, Công ty TNHH Thép Vina Kyoei, Công ty Posco SS Vina (KCN Phú Mỹ 2, TX. Phú Mỹ), Công ty Thép Miền Nam, Công ty CP Thép Pomina 2 và Nhà máy luyện phôi thép - Công ty CP Thép Pomina (KCN Phú Mỹ I, phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ). Ngoài ra, còn có 120 cơ sở mua bán phế liệu kim loại, đây cũng là những địa chỉ dễ phát sinh các nguồn phóng xạ chứa đựng trong phế liệu.

Lực lượng chức năng phát hiện 2 thiết bị nhiễm bẩn phóng xạ tại một nhà máy tái chế kim loại trên địa bàn TX. Phú Mỹ.

Với nhiều nguồn phóng xạ như trên, thời gian qua, trên địa tỉnh đã xảy ra một số sự cố liên quan đến bức xạ. Gần đây nhất, vào tháng 5 và tháng 12/2018, xảy ra 2 sự cố nguồn phóng xạ tại Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (KCN Phú Mỹ I, TX. Phú Mỹ). Cụ thể, đã phát hiện vật thể phát ra bức xạ (nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát) thông qua hệ thống dò tìm, cảnh báo phóng xạ lắp đặt tại đầu vào của nguồn phế liệu kim loại dùng làm nguyên liệu cho sản xuất thép tại công ty. Công tác xử lý sự cố này được Sở KH-CN phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện đúng quy định, không gây nhiễm bẩn làm rò rỉ chất phóng xạ ra môi trường. Vật thể bức xạ được đưa đến nơi lưu giữ, bảo đảm an toàn.

Trước đó, vào tháng 1/2015, tại Nhà máy Thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ I, TX. Phú Mỹ) cũng xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ Co-60. Trong khi tiến hành sửa chữa dây chuyền sản xuất thép, nguồn phóng xạ này được tháo dỡ và cất vào kho. Tuy nhiên, đến khi bàn giao nhân sự vào ngày 25/3, công ty mới phát hiện mất nguồn phóng xạ. Điều đáng nói là qua kiểm tra cho thấy, không hề có có biên bản tháo dỡ hay chứng từ xuất, nhập kho lưu trữ. Do đó, công ty không xác định được cụ thể thời gian mất nguồn phóng xạ này. 

KỊP THỜI XỬ LÝ BỨC XẠ 

Ông Nguyễn Kim Trường, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, trong những năm qua, Sở KH-CN đã phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho các chủ cơ sở, DN về bảo đảm an toàn bức xạ, cách nhận biết dấu hiệu khả nghi nguồn phóng xạ cũng như biện pháp phòng tránh. “Hiện nay, các chủ cơ sở, DN có sử dụng nguồn bức xạ trong hoạt động tại đơn vị đều đã nhận thức được mức độ nguy hại của nguồn phóng xạ khi phát tán ra môi trường bên ngoài, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Do vậy, Sở đã quản lý chặt nguồn phóng xạ trong khi sản xuất cũng như khi không sử dụng, bảo đảm an ninh bức xạ cho người lao động làm việc tại đơn vị”, ông Nguyễn Kim Trường nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, ông Đỗ Vũ Khoa, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH-CN cho hay, trong quá trình sử dụng nhiều và đa dạng nguồn phóng xạ, không tránh khỏi những rủi ro, mất an toàn. Cụ thể như, tại một số cơ sở sản xuất sắt thép có sử dụng thiết bị đo, cảnh báo phóng xạ cầm tay có thể phát hiện, ghi đo giá trị suất liều bức xạ, nhưng về độ nhạy (bị giới hạn về diện tích của đầu dò) có giá trị thấp hơn so với thiết bị dò tìm, phát hiện bức xạ được lắp đặt tại cổng quét phóng xạ. Điều này ảnh hưởng đến khả năng dò tìm, phát hiện phóng xạ trong phế liệu kim loại khi sử dụng thiết bị dạng này.

Bên cạnh đó, nguồn phế liệu kim loại làm nguyên liệu cho sản xuất sắt thép chủ yếu từ nguồn nhập khẩu nước ngoài (tàu chở hàng rời, hàng container) và các cơ sở mua bán phế liệu kim loại trong nước. Nếu không được quản lý tốt, nguy cơ vật thể bức xạ bị mua dưới hình thức phế liệu kim loại là điều khó tránh. Những vật thể bức xạ trong trường hợp này thường bị biến dạng, mất hoặc bị mờ các dấu hiệu cảnh báo, thông số kỹ thuật liên quan và không thể nhận dạng nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, dẫn đến việc xác định nguồn gốc, xuất xứ vật thể khó khăn. 

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ; tích cực phối hợp với Sở KH-CN trong việc tuyên truyền, tập huấn phổ biến các phương pháp, dấu hiệu nhận biết vật thể khả nghi là nguồn phóng xạ; biện pháp phòng tránh và cách thức thông báo đến cơ quan chức năng xử lý khi phát hiện vật thể nghi ngờ nguồn phóng xạ cho các cơ sở sản xuất sắt thép, nhập khẩu phế liệu kim loại, phôi thép, mua bán phế liệu kim loại trên địa bàn tỉnh. 

Các DN sản xuất sắt thép từ phế liệu kim loại cần nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ cho người đứng đầu, người phụ trách an toàn về bức xạ thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ; tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát đầu vào đối với phế liệu kim loại, bảo đảm phát hiện được các nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát; thực hiện rà soát, bổ sung kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở đối với tình huống phát hiện nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát; định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ theo kế hoạch được phê duyệt.

 (Trích văn bản số 5889/UBND-VP ngày 18/6/2019 của UBND tỉnh) 

Đối với các cơ sở mua bán phế liệu kim loại cũng tiềm ẩn nguy cơ lẫn vật thể bức xạ trong phế liệu. Thời gian qua, trong quá trình thực hiện đo đạc, đánh giá phông phóng xạ môi trường, dò tìm bức xạ, cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp lẫn vật thể bức xạ tại một số số cơ sở mua bán, tái chế phế liệu kim loại. Mặt khác, qua rà soát phông phóng xạ trên địa bàn TP. Vũng Tàu, KCN Phú Mỹ 1, 2 và cảng Cái Mép cũng đã phát hiện một số ống khoan ngành dầu khí bị bám đất, đá có phóng xạ tự nhiên trong lòng đất. Các trường hợp phát hiện bức xạ đều được kịp thời xử lý, bảo đảm an ninh, an toàn phóng xạ theo quy định.


Số lượt đọc: 2623 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác