Những làng nghề vang tiếng một thời: Về làng đan "tay em vuốt cật, tay chàng uốn đai"
22/07/2019

Từ cuối thế kỷ XVIII, trong quá trình khai phá vùng đất phương Nam, đã có nhiều luồng dân cư qua lại cửa sông, cảng biển rồi chọn BR-VT làm nơi định cư lâu dài. Qua nhiều thế kỷ, những làng xã dần hình thành, kéo theo là sự ra đời của các nghề truyền thống: Đúc đồng, khắc đá, nấu rượu, làm bún, đan thúng, dệt lưới… Ngày nay, có những nghề đã mai một dưới sức ép của quá trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động. Nhưng dù sao, mỗi một nghề từng xuất hiện trên mảnh đất BR-VT đều đã thể hiện sinh động đời sống lao động từ bao đời nay của cư dân miền biển.

Để đỡ nhớ nghề, bà Trần Thị Điều (tổ 7, ấp Phước Trung) vẫn vót sẵn nan để đan rổ khi có đơn hàng. Ngoài đan rổ, hiện nay bà học và nhận đan thêm giỏ lục bình để có thu nhập.

Đi theo Quốc lộ 55 đến xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ) hỏi làng đan rổ ở ấp Phước Trung hầu như ai cũng biết. Làng đan rổ Phước Trung hình thành cùng với sự tụ cư lập ấp của nhiều người từ miền Trung.

Ông Nguyễn Hữu Đường (78 tuổi, tổ 7, ấp Phước Trung) là một trong những người đầu tiên đưa nghề đan rổ vào Phước Long Thọ. 50 năm trước, từ Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), ông Đường theo luồng dân di cư vào Nam lập nghiệp. Nhận thấy nơi đây là vùng thuần nông, ông Đường bắt tay làm nghề đan rổ, rá để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương. “Để làm được một chiếc rổ, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Tre được chẻ, vót thành nan rồi đem phơi cho đủ độ dẻo dai và bền chắc thì mới bắt đầu đan. Khó nhất là phần lên dành (làm mép rổ). Khi làm dành, sự khéo léo của người thợ là làm sao để dành tròn, chắc chắn”, ông Đường nói.

Nghề đan ở Phước Trung bắt đầu gần như chỉ có mỗi hộ ông Đường, nhưng về sau nhiều người theo đuổi. Không chỉ làm rổ, rá, người dân Phước Trung còn sản xuất thuyền thúng. Ông Nguyễn Hữu Đường cho biết, để làm một chiếc thuyền thúng có đường kính từ 2-3m, phải mất tới 10 ngày, riêng phần làm dành đã chiếm mất 2 ngày và phải có ít nhất 3 thợ khỏe mạnh. Để lên dành, người thợ đào một cái hầm sâu khoảng 50cm, rộng từ 2-3m, tùy đường kính của thúng. Sau khi đưa phần thân thúng xuống hầm, người thợ đưa cạp vào định hình rồi dùng cước cố định. Thúng sau khi làm xong được trét một lớp nhựa để chống thấm nước. Mỗi cái thúng được bán từ 500.000-700.000 đồng.

Theo người dân nơi đây, thời điểm những năm 90, thuyền thúng ở Phước Trung bán nhiều cho ngư dân Phước Hải, Long Hải, thậm chí cho cả các tỉnh Bình Thuận, Long An… Sự phát triển của nghề đan Phước Trung thời điểm ấy đã giúp nhiều gia đình khá giả, có điều kiện chăm lo học hành cho con cái.

Ngày nay, khi các vật dụng sinh hoạt được cải tiến với nhiều vật liệu hiện đại, nhẹ hơn, đẹp hơn thì nghề đan cũng đang dần mai một, nhưng ở Phước Trung, vẫn còn hơn 40 gia đình theo đuổi nghề đan. Phần đa trong số họ đều chuyển sang đan các sản phẩm mỹ nghệ từ cây lục bình để xuất khẩu. Vì thế, Phước Trung vẫn còn đó những dấu ấn đậm nét về một nghề truyền thống, đã đi sâu vào đời sống, văn hóa như những câu thơ của người thợ có thâm niên Nguyễn Hữu Đường:

“… Gốc tre già tôi trao đòn gánh

Đoạn tre mềm tôi đánh thành quang

Tôi đan rổ, rá, dần, sàng

Tay em vuốt cật, tay chàng uốn đai…”

 

 


Số lượt đọc: 2941 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác