KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2019): Thương binh làm kinh tế giỏi.
22/07/2019

Lạc quan, kiên trì và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống đời thường, nhiều thương binh, cựu chiến binh đã trở thành tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Vũ Viết Thụ (tổ 1, ấp Phong Phú, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) là một trong những tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh.

KHÔNG LÙI BƯỚC TRƯỚC KHÓ KHĂN 

Vợ chồng ông Vũ Viết Thụ (thương binh 2/4) và bà Trịnh Thị Lan (tổ 1, ấp Phong Phú, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) tham gia kháng chiến từ năm 1962. Hai ông bà cùng là cán bộ quân y, đóng chân tại Cục Quân y miền Nam. Năm 1978, sau khi xuất ngũ, ông Thụ về công tác tại HTX Long Phước. HTX giải tán, vợ chồng ông đối mặt với câu hỏi làm gì để nuôi 9 người con ăn học. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông bà xác định, chỉ có con đường làm kinh tế mới giúp gia đình vượt qua khó khăn, đủ cái ăn cái mặc cho đàn con. 

Ông Thụ tâm sự: “Với người lành lặn, việc làm ăn đã khó, với những người sức khỏe yếu như tôi càng khó hơn. Nhưng nhờ ý chí đã được tôi luyện trên chiến trường, tôi quyết không lùi bước”. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, bằng nghị lực và ý chí của người lính, ông Thụ đã thành công với mô hình làm vườn, trồng cây ăn trái và chăn nuôi dê. Sau 30 năm gầy dựng, hiện nay gia đình ông đang sở hữu vườn cây ăn trái với diện tích gần 7.000m2 trồng đu đủ, bưởi da xanh, chanh không hạt, bơ… thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm. Ông Thụ chia sẻ: “Ngày ấy, cuộc sống khó khăn, vợ chồng tôi luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo để lo cho các con ăn học. Từ chỗ làm theo hướng lấy ngắn nuôi dài, tới nay kinh tế gia đình đã tạm ổn, các con tôi đều đã trưởng thành, có cuộc sống riêng”.

Ông Nguyễn Thế Toản (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) chăm sóc đàn vịt của gia đình.

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thế Toản (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) cũng là tấm gương giỏi làm kinh tế. Rời quân ngũ, ông phải đi làm thuê kiếm sống. Vừa làm vừa tích góp, đến nay, gia đình ông đã có cơ ngơi khang trang: Trang trại rộng 1,3ha trồng hơn 1.000 cây nhãn, đàn vịt đẻ hơn 3.000 con và đàn heo rừng lai, mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng. Noi gương ba, các con ông đều chịu khó học tập, trưởng thành và có nhiều đóng góp cho xã hội. Ông Toản cho hay: “Những ngày mới rời quân ngũ, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Tuy nhiên, phẩm chất người lính được tôi luyện trong chiến tranh đã giúp tôi vượt qua tất cả để tạo dựng cuộc sống như hôm nay”. 

GIÚP NHAU CÙNG VƯƠN LÊN

Trong chiến tranh, những người lính luôn sát cánh bên nhau. Trở về với đời thường, họ lại giúp nhau làm kinh tế bằng việc chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ nhau con giống, nguồn vốn… Thương binh Hoàng Xuân Vinh (thôn Tân Xuân, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) là một ví dụ. Sinh ra tại Hà Tĩnh, theo tiếng giọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1978 ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1982, ông xuất ngũ và chọn mảnh đất Châu Đức làm quê hương thứ hai. 

Ở vùng đất mới, cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông làm đủ nghề để lo cho gia đình rồi quyết định gắn bó với mô hình chăn nuôi heo và trồng cây ăn trái. Hiện nay, gia đình ông có hơn 2ha đất vườn, một trang trại chăn nuôi heo, thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Chứng kiến cảnh đồng đội còn nhiều khó khăn, ông Vinh mạnh dạn đề xuất Hội CCB huyện triển khai mô hình chăn nuôi heo cho các CCB phát triển kinh tế. Ông trực tiếp cung ứng heo giống cho các hộ có nhu cầu bằng hình thức tạm ứng và sau 3 năm người nuôi mới phải thanh toán tiền vốn. Đến nay, hơn 300 con heo giống đã được ông trao cho CCB, thương binh và người nghèo trên địa bàn huyện. Nhờ đó, nhiều gia đình đã được trao “cần câu” để có thêm thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế. 

Ông Vinh chia sẻ: “Mong muốn của tôi là làm sao để giúp cho mọi người cùng vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó, tạo dựng được cuộc sống ổn định. Ngoài hỗ trợ con giống, tôi còn sẵn sàng hướng dẫn anh em kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi để có kết quả tốt nhất”.

Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH nhận xét, nhiều CCB, thương bệnh binh dù cơ thể không còn lành lặn, mang trên mình thương tật nhưng vẫn cố gắng vươn lên làm chủ cuộc sống. Đáng trân trọng hơn, họ còn giúp đỡ đồng đội và nhân dân địa phương phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống. 

 

 


Số lượt đọc: 3175 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác