ĐI VỀ MIỀN DI SẢN: Cây bàng Côn Đảo phủ bóng thời gian
03/05/2020

Ở Côn Đảo có tất cả 79 cây thuộc các họ: bàng, bằng lăng, điệp bèo và thị được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Trong đó, bàng chiếm số lượng nhiều nhất với 53 cây. Cây bàng Côn Đảo không chỉ che nắng, che mưa, chắn gió, chắn cát, mà còn cùng người dân Côn Đảo đi qua biết bao thăng trầm của lịch sử…

Cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo được gắn bảng Cây di sản Việt Nam.

Không ai biết chính xác cây bàng ở Côn Đảo có tự bao giờ. Những người sống ở Côn Đảo lâu năm cho biết lúc họ đến, đã thấy cây bàng nhiều vô kể. Bàng rợp bóng trên đảo. Bàng dọc theo lối đi. Bàng trong sân nhà, công sở, trường học, bệnh viện… Bàng san sát bờ biển và dọc theo sườn núi. Không chỉ thân quen, cây bàng còn được ví như linh hồn của Côn Đảo. Quanh khu vực từ trại tù Phú Hải, ra mép biển, chạy dài trên các con đường Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng… những cây bàng cổ thụ trăm năm tuổi tỏa bóng mát. Theo thời gian, nhiều cây bàng thân to 3-4 vòng tay người ôm, cao hàng chục mét, đứng sừng sững kỳ bí. So với cây bàng trồng ở đất liền, cây bàng ở Côn Đảo lá thẫm, to và dày hơn, gốc xoãi rộng, vỏ cây xù xì, gân guốc hơn… Nguyên nhân có thể là do khí hậu, thời tiết, môi trường đặc trưng ở Côn Đảo.

Mùa bàng chín rộ vào khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm. Khi quả bàng rụng, nhiều người Côn Đảo rủ nhau đi nhặt về chẻ lấy nhân làm mứt. Mứt hạt bàng là món quà đặc sản mang đậm dấu ấn Côn Đảo mà rất nhiều du khách khi đến Côn Đảo mua về làm quà.

Đến Côn Đảo, du khách còn được người dân kể về những câu chuyện liên quan đến cây bàng và cuộc sống của những người tù khổ sai trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bởi thế, cây bàng cũng được coi là “chứng nhân” trong nhiều giai đoạn lịch sử của Côn Đảo. Gắn liền với giai đoạn “địa ngục trần gian”, cây bàng góp phần cứu sống nhiều tù nhân. Theo ông Phan Hoàng Oanh cựu tù chính trị Côn Đảo, ai đã từng bị giam cầm ở Côn Đảo cũng đều ăn lá bàng. Mỗi lần được cai ngục cho ra ngoài, người tù thường lén hái những lá bàng non và cả trái bàng xanh, giấu trong người, ngậm trong miệng..., đem vào phòng giam chia cho đồng đội cùng ăn. Ban đầu, việc ăn lá bàng hay trái bàng chỉ đơn thuần vì người tù quá thiếu rau xanh. Sau đó, người tù nhận ra, lá bàng có thể giúp vết thương bớt đau nhức, mưng mủ, chữa tiêu chảy… “Nhiều người tù cũng lấy lá bàng thay giấy để viết thơ ca, để truyền tin cho nhau”, ông Oanh nhớ lại.

45 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, những cây bàng Côn Đảo vẫn còn đó. Gần gũi và thân quen. Bà Phan Thị Tám, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử huyện Côn Đảo cho biết, những cây bàng cổ thụ được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” có tuổi đời từ 130 đến 150 năm, tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù (1862). 

Những cây bàng di sản tập trung nhiều trong khuôn viên các nhà tù, di tích nhà Chúa Đảo, đường Lê Duẩn, đường Tôn Đức Thắng… Hiện nay, những cây bàng di sản được người dân Côn Đảo gìn giữ, chăm sóc rất kỹ lưỡng. UBND huyện Côn Đảo cũng thường xuyên chỉ đạo đơn vị quản lý cây xanh thực hiện công tác chăm sóc, cắt tỉa cành, nhánh khô, xử lý những cây bị sâu bệnh, cây già cỗi, dễ gãy đổ gây nguy hiểm cho người đi đường và ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác, phá hoại cây trồng. Nhờ đó những hàng cây bàng cổ thụ luôn tươi tốt, góp phần tạo nên không gian cổ kính, thiêng liêng và rất riêng cho Côn Đảo.

 

 


Số lượt đọc: 2466 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác