Nuôi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử.
10/05/2020

Bằng việc tạo sân chơi, hỗ trợ nhạc cụ, tổ chức các hội thi, hội diễn, ngành văn hóa đã và đang nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nghệ nhân các CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh bên những loại nhạc cụ ĐCTT mới được Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh bàn giao vào ngày 24/4.

Chăm chú ngắm nghía và thử từng phím đàn mới được trao cho CLB, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ nhiệm CLB ĐCTT TP. Bà Rịa nói: “Chúng tôi rất vui vì lần đầu tiên được Nhà nước hỗ trợ nhạc cụ. CLB sẽ tổ chức thêm nhiều buổi sinh hoạt để anh chị em giao lưu, chia sẻ niềm đam mê loại hình âm nhạc đặc trưng của Nam Bộ này”. 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phượng, CLB ĐCTT TP. Bà Rịa hiện có 19 thành viên, mỗi tháng tổ chức sinh hoạt 1 lần. Trước đây, các tài tử tự bỏ tiền túi mua sắm nhạc cụ để duy trì sân chơi ĐCTT. Mỗi buổi sinh hoạt, họ lại mang theo đàn để các thành viên sử dụng chung.

Bộ nhạc cụ mới của CLB ĐCTT TP. Bà Rịa vừa được Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh bàn giao ngày 24/4. Mỗi bộ nhạc cụ gồm: đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn cò và song lang. Đã có 15 bộ nhạc cụ ĐCTT được mua sắm từ nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho CLB ĐCTT trên toàn tỉnh có điều kiện sinh hoạt, nuôi dưỡng niềm đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

BR-VT không phải là cái nôi của phong trào ĐCTT nhưng bộ môn này vẫn được lưu truyền, góp mặt trong các buổi sinh hoạt trong cộng đồng dân cư từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, ngành văn hóa cũng nỗ lực duy trì và bảo tồn ĐCTT thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, giao lưu. Anh Phan Thanh Khánh, Phó Chủ nhiệm CLB ĐCTT TX. Phú Mỹ cho biết: “Bộ nhạc cụ được nhà nước hỗ trợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB ĐCTT hoạt động, góp phần duy trì sân chơi cho người đam mê ĐCTT”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 CLB ĐCTT với hàng ngàn thành viên. Nhiều CLB ĐCTT ra đời ngoài phục vụ nhu cầu đời sống, còn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Để duy trì và phát huy nghệ thuật ĐCTT, ngày 18/12/2018, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. 

Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án này. Ngoài mua sắm, hỗ trợ nhạc cụ cho các CLB ĐCTT, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Phòng VH-TT các huyện, thị xã, thành phố sẽ hỗ trợ 40 CLB ôn luyện, trình diễn những bản nhạc cổ; phát sóng trên Đài PT-TH tỉnh, hệ thống đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố về các bản ĐCTT có nội dung ca ngợi quê hương BR-VT; tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT của tỉnh. 

Bên cạnh đó, Sở VH-TT sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống vào trường học; tổ chức nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật ĐCTT trong các trường học trên địa bàn tỉnh; trình diễn một số bản ĐCTT để giúp HS cảm nhận, hiểu và biết về nghệ thuật ĐCTT, từ đó, nuôi dưỡng niềm đam mê ĐCTT cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở VH-TT sẽ tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 40 CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh.  

 

 


Số lượt đọc: 2927 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác