'Cô giáo tí hon' hơn 20 năm đi tìm giá trị đời mình
27/05/2020

Muốn buông xuôi cho thân xác ốm yếu nghỉ ngơi vĩnh viễn, nhưng nghĩ đến công lao của bà và bố mẹ vất vả nuôi mình, Lan Anh gượng dậy.

Một ngày cuối tháng 5, trong phòng học hơn 10m2 ở thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, chị Lê Thị Lan Anh cùng 10 đứa trẻ cấp hai chụm đầu xem những bức ảnh chị mới chụp trong chuyến du lịch miền trung. Thoạt nhìn, bọn trẻ với cô giáo 44 tuổi, cao 1,3 m chẳng khác gì những người bạn cùng trang lứa. Bọn trẻ ríu rít, tranh nhau khen cô xinh. 

Lan Anh mỉm cười. Từ khi phải vật lộn để tồn tại trong cơ thể khiếm khuyết, chị không dám mơ, có ngày mình được sống vui, ý nghĩa đến vậy.

Mỗi lớp học của cô Lan Anh thường có 6-15 học trò cấp 1 và cấp 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày Lan Anh chào đời, bà Đỗ Thị Lan - mẹ chị - lặng lẽ rơi nước mắt. Đứa trẻ nặng hơn 1 kg, chân tay co quắp, lưng gập xuống, yếu đến mức tưởng như bất động. Bế con trên tay, ông Lê Huy Toàn biết đó là hậu quả do di chứng chất da cam ông nhiễm khi chiến đấu ở chiến trường Nam Lào - Quảng Trị - Thừa Thiên.

Hai vợ chồng đưa con đi khắp các bệnh viện, đến đâu bác sĩ đều lắc đầu: "Đưa cháu về chăm sóc, sống được thì sống, không cũng đành chịu".

Đứa trẻ không thể bú, muốn con ăn, bà phải bóp miệng đút hoặc đổ sữa. "Cứ con khóc, mẹ lại khóc theo", bà Lan nhớ lại. Hết 8 tháng, mẹ Lan Anh phải đi làm ở nhà máy, cách 20 km. Không ai dám nhận chăm sóc, đứa trẻ ốm yếu được trao vào tay bà nội. Nhìn bà bế đứa cháu tật nguyện về, cả làng lắc đầu bảo 'liều', 'rước lấy xui xẻo'. "Cháu tôi thì tôi nuôi'", người bà nói chắc nịch. Từ đó, hàng ngày, bà lấy khăn ấm lau từng ngón chân, ngón tay của cháu để các khớp co duỗi được.

Cứ mỗi lần Lan Anh ốm đau, bố mẹ lại hộc tốc bỏ việc về mang con đi viện. Những ngày tháng như thế trôi qua, Lan Anh vượt qua cửa tử. Đến tuổi tập đi, bà nội đeo guốc thật nặng vào chân "bé Lan Anh" để kéo cẳng chân thẳng ra. Đi lại được, nhưng lưng chị vẫn gập xuống như đeo mai rùa.

Khiếm khuyết cơ thể nhưng đứa trẻ tiếp thu kiến thức như các bạn bình thường. Biết cháu ham học, những ngày thời tiết bất thường, bà nội lại cõng Lan Anh đến lớp. "Có lần mưa lớn, hai bà cháu ngã sõng soài lại về nhà thay quần áo để đi tiếp", chị kể.

Chưa đủ lớn để hiểu thiệt thòi của bản thân, bị các bạn trêu chọc, Lan Anh chỉ biết im lặng. Đến khi một bạn nam cùng làng hét vào mặt: "Mày nhìn như đồ lai khỉ", cô bé về nhà, đứng trước gương nức nở. "Con khỉ xấu xí thế mà bạn ấy ví mình là khỉ. Vậy chắc mình xấu lắm". Từ đó, giờ ra chơi cô nữ sinh chỉ ngồi trong lớp, đi vệ sinh cũng phải có bạn thân đi cùng. 

"Nhưng ở trường vẫn có những người bạn thân thiết, cô giáo cũng yêu thương. Lúc tôi ốm yếu quá, bạn xách cặp hộ, cô đèo về bằng xe đạp. Đó là động lực", Lan Anh nói lý do duy trì việc học.

Đầu năm lớp 9, bệnh tật tái phát như cơn bão cuốn phăng mọi sức lực và quyết tâm của chị. Không thể cầm nổi sách, gần như không thể thở, chị đành nghỉ học, "âm thầm khóc vì bất lực". Khi chuyển đến cơ quan mẹ sống, Lan Anh nằm liệt giường. Bố công tác xa, mọi sinh hoạt của chị đều phụ thuộc mẹ và em gái.

"Có sống được không hay là mình chết đi?", ý nghĩ nhen lên trong đầu cô gái đang bất động. Nhưng hình ảnh bà nội gồng lưng cõng mình qua bùn lầy đến lớp hiện lên trong trí não khiến Lan Anh bừng tỉnh.

Không muốn ăn nhưng chị vẫn cố gượng. Bố mẹ mua thuốc đủ loại đông, tây y để tìm cơ hội sống cho con gái. Giai đoạn thập tử nhất sinh qua đi, khi khỏe lên một chút hàng ngày, cô bé lớp 9 tìm niềm vui bằng cách nghe chương trình dạy tiếng Anh trên radio. Đến khi ngồi dậy được, cô lấy giấy bút ra ghi chép, tự học với quyết tâm: "Không sống một cuộc đời nhàm chán, không làm gánh nặng cho gia đình".

"Cô giáo tí hon" Lê Thị Lan Anh và các học sinh lớp 3 chụp hình lưu niệm nhân dịp 20/11/2019. "Cô trò chúng tôi là đội quân nhí nhố", chị nói. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị thuyết phục bố mẹ cho lên nhà bác ở Hà Nội học tiếng Anh. Sức khỏe của chị yếu nên gia đình mời gia sư về nhà bác ruột dạy nhưng cũng chỉ được một năm vì kinh tế gia đình eo hẹp. 

Mua sách ngữ pháp và được em gái tặng cuốn từ điển bé bằng bàn tay, chị cặm cụi tự học. Lan Anh trở lại cửa hàng tạp hóa của bố mẹ, nhưng không phải chỉ ngồi coi hàng. Chị vừa học, vừa được hàng xóm nhờ kèm cặp con nhỏ học tiếng Anh.

Thấy lực học của con khá lên, mẹ bé khuyên chị mở lớp. Năm học trò đầu tiên được Lan Anh truyền dạy kiến thức miễn phí trong góc cửa hàng tạp hóa. Nhưng sau đó, phụ huynh đều bảo "cô không nhận học phí thì không cho con học", chị mới mở lớp thu tiền. Lần đầu được trả công 40 nghìn đồng, chị dùng mua một cuốn sách ngữ pháp tiếng Anh.

Ngày 20/11 cách đây 21 năm, một phụ huynh đèo con đến nhà tặng hoa chị. "Tôi cho con đến học lớp của em, phần vì muốn được truyền dạy kiến thức, phần vì muốn con học được nghị lực của cô", nữ phụ huynh - cũng là một giáo viên nói. 

Những ký ức tuổi thơ lần lượt dội về trong "cô giáo tí hon". "Tôi vừa hãnh diện, hạnh phúc vừa bùi ngùi. Sau một chặng đường đầy tủi khổ, cuối cùng, tôi cũng tìm được giá trị của đời mình", chị tâm sự. 

Đó là động lực để hơn 20 năm qua, "cô giáo" Lan Anh kiên trì trau dồi kiến thức để đứng trên bục giảng, dù chưa qua trường lớp nào. Lớp học của chị luôn miễn phí cho học sinh khuyết tật và giảm học phí cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Cách nhà chị Lan Anh hơn 3km, nhưng suốt một năm, chị Nguyễn Thị Tuất (59 tuổi có con gái khuyết tật vận động) vẫn đèo con đến lớp học miễn phí. "Nhờ có cô, con được dạy kiến thức, tự tin và cởi mở hơn. Cô tuy không qua trường lớp nhưng nắm vững kiến thức, dạy cặn kẽ và bài bản nên con tiến bộ hẳn", chị Tuất nói. 

Vũ Việt Tùng, 18 tuổi, ở Xuân Mai từng theo học cô Lan Anh từ lớp 2 đến lớp 9. Ban đầu Tùng bị bố mẹ "ép" học thêm, nhưng không ngờ mình tìm được động lực học từ "cô giáo tí hon". "Tôi học qua hai giáo viên nhưng vẫn không tìm được cảm hứng, cho đến khi gặp cô. Tôi luôn nghĩ, cô khiếm khuyết cơ thể, không đến trường vẫn học được tiếng Anh, thì tại sao khỏe mạnh như mình không làm được", Tùng nói.

Được cô Lan Anh truyền cảm hứng, Tùng đã đạt IELTS 6.0, thỉnh thoảng tham gia trợ giảng ở các trung tâm tiếng Anh và đang theo đuổi giấc mơ du học.

Chị Lan Anh đi du lịch cùng mẹ ở Tháp Chàm, Nha Trang năm 2019. Tìm được niềm vui cho chính mình, chị Lan Anh sống lạc quan, thường xuyên đi du lịch, đi chơi cùng bạn bè và gia đình, dù "ngày nào cũng phải dùng đến thuốc". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm 2019, chị Lê Thị Lan Anh được Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội biểu dương, nhận Bằng khen về gương "Người tốt, việc tốt". Chị cũng được tôn vinh ở hạng mục "Sống đẹp" trong một giải thưởng tìm kiếm và tôn vinh những người Việt Nam tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực.

Hơn 10 năm nay, chị kết thân với một nhóm bạn khuyết tật, thường xuyên du lịch, trò chuyện, động viên nhau những lúc khó khăn. "Số phận giúp mình mạnh mẽ hơn. Dù khó khăn rất nhiều, buồn thật nhiều, nhưng vẫn không ngừng cố gắng vui, cười, vươn lên trong cuộc sống và cố gắng để mang lại niềm vui cho người khác", chị nói.


Số lượt đọc: 2113 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác