Làm gì để phòng tránh sét?
24/06/2020

Viện Vật lý Địa cầu cho biết, tại BR-VT, dông sét xuất hiện với tần suất dày đặc vào đầu mùa mưa (tháng 5, 6) và cuối mùa mưa (tháng 9, 10). Để hạn chế bị sét đánh, việc nắm vững quy tắc phòng tránh là rất quan trọng.


Du khách Nguyễn Thị Ng. bị sét đánh năm 2018 được cấp cứu tại Bệnh viện Lê Lợi.

Theo Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ một năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, qua nghiên cứu, tại BR-VT, sét xuất hiện nhiều nhất vào đầu mùa mưa (tháng 5, 6) và cuối mùa mưa (tháng 9, 10). Dông sét thường xuất hiện nhiều vào chiều tối và đạt cực đại lúc 17 giờ.

Một thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho thấy, những năm gần đây, luôn có các vụ sét đánh gây thiệt hại về người. Tháng 8/2013, tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), một người phụ nữ đang đi xe máy trên đường đã bị sét đánh dẫn đến tử vong. Cũng trong năm, tại Xuyên Mộc, sét đánh làm 4 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương khi họ đang trú mưa trong chòi nuôi tôm.

Khi có hiện tượng dông sét, người dân không nên sử dụng các thiết bị có tiếp điện như tivi, điện thoại bàn...

Các năm 2016, 2017 và 2018, BR-VT liên tục có trường hợp người dân, du khách bị sét đánh. Gần đây nhất là tháng 9/2018, du khách Nguyễn Thị Ng. bị sét đánh khi đang tắm biển tại khu vực Bãi Sau (TP. Vũng Tàu). May mắn là khi bà Ng. ngã khụy sau tiếng sét, mọi người đã sơ cứu và đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. 

Tại buổi tập huấn truyền thông nâng cao nhận thức về phòng tránh và chống sét cho cộng đồng dân cư, do Sở KH-CN tổ chức tại TP. Vũng Tàu, hồi giữa tháng 6/2020, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu đã có những chia sẻ hữu ích về kỹ năng phòng chống sét. Theo ông Nguyễn Xuân Anh, sét là hiện tượng thời tiết cực đoan ngẫu nhiên nên không có vị trí an toàn tuyệt đối để tránh sét. Tuy nhiên, việc chủ động tìm nơi an toàn, có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh và tránh được những tổn thương về sức khỏe.

Để phòng chống sét, người dân cần chủ động nắm rõ thông tin thời tiết. Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh, trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Khi dông sắp kéo đến, cần vào nhà, ở xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, chỗ ẩm ướt… Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông. Trong trường hợp không có nơi ẩn náu an toàn, cần tránh xa việc trú mưa dưới cây xanh, khu vực cao, các vật kim loại. Đặc biệt, không đứng ngoài bãi biển, đỉnh núi, sườn núi…

Viện Vật lý Điạ cầu khẳng định, sóng điện thoại di động không thể hút sét do điện từ phát ra yếu. Ngược lại, điện thoại cố định có thể bị ảnh hưởng bởi sét vì lan truyền qua dây dẫn. Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, không nên sử dụng điện thoại cố định trong lúc mưa dông.

TP. Vũng Tàu vừa hoàn thiện 22 cột đèn có lắp hệ thống chống sét dọc bờ biển Bãi Trước và Bãi Sau. Mỗi cột có 1 kim thu sét chủ động, có bán kính bảo vệ an toàn 107m, hệ thống tiếp địa được bố trí bên dưới hố móng cột đèn và sử dụng hệ tiếp địa liên hoàn để bảo đảm thoát sét tối đa.

 

 


Số lượt đọc: 1104 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác