TƯ VẤN TUYỂN SINH 2021: Ngành học lý tưởng chỉ hình thành từ sự đam mê.
01/12/2020

Những câu hỏi của học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã được giải đáp qua buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2021 vừa được tổ chức tại tỉnh BR-VT.

Chương trình do Báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), Sở GD-ĐT và Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức.

TS. Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cung cấp thông tin về một số ngành nghề HS quan tâm và tư vấn hướng nghiệp cho các em.

TUỔI TRẺ PHẢI DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Năm 2021 các trường ĐH tiếp tục áp dụng nhiều phương thức xét tuyển. TS.Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho hay: Hiện nay có gần 300 cơ sở giáo dục ĐH, hơn 200 cơ sở giáo dục CĐ và 2.000 cơ sở đào tạo trung cấp, đào tạo các lĩnh vực nghề nghiệp chính như: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, kinh doanh, quản lý, quốc phòng - an ninh, y dược, sư phạm, nghệ thuật... Về phương thức tuyển sinh, với bậc trung cấp, CĐ, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể nộp đơn xét tuyển bằng học bạ. Bậc ĐH có 3 phương thức chính: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét điểm thi năng lực.

“Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu mặt bằng điểm thi cao thì điểm chuẩn chắc chắn sẽ tăng theo. Còn với phương thức thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, TS cần tham khảo đề thi để cải tiến phương pháp học tập phù hợp. Bên cạnh đó, HS cũng nên “chăm sóc” điểm học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển, đừng “chê” phương thức xét tuyển nào”, TS.Lê Thị Thanh Mai nhắn nhủ.

Nhiều HS đã chia sẻ những băn khoăn trong việc định hướng tương lai. Em Trương Gia Bảo, HS lớp 11A2, Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) bày tỏ: “Không chỉ riêng em mà rất nhiều bạn đang nghĩ chọn ngành học để sau này có được một công việc ổn định, quan trọng hơn theo đuổi sở thích của mình. Em muốn biết “ngành nghề lý tưởng trong 4-5 năm tới sẽ là gì?”.

TS. Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Câu trả lời của tôi có thể sẽ khiến em thất vọng. Thực tế không có lựa chọn nào được coi là lý tưởng nếu không phải xuất phát từ đam mê, sở thích. Người trẻ phải mơ ước, dám nghĩ, dám làm và cũng dám chấp nhận thất bại”.

Còn về những dự báo ngành có nhiều cơ hội việc làm trong 5 năm tới, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết, bước vào kỷ nguyên số, các ngành nghề ưu tiên trong tương lai sẽ liên quan tới lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…

Em Nguyễn Vũ Mỹ Linh, HS lớp 12A7, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt câu hỏi cho Ban tư vấn.

NGOẠI NGỮ LÀ CÔNG CỤ CHO MỌI NGÀNH NGHỀ

Bên cạnh những câu hỏi về “bí quyết” lựa chọn ngành nghề, nhiều HS còn quan tâm đến tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ trong công việc. ThS.Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay, ngoại ngữ không còn là đặc thù của riêng ngành nghề nào mà đã và đang trở thành công cụ để tiếp cận với thế giới của tất cả mọi ngành nghề. Vốn ngoại ngữ sẽ giúp các em mở rộng và phát triển cơ hội nghề nghiệp của mình. Vậy nên, dù chọn bất cứ ngành nghề nào, các em cũng cần chuẩn bị cho mình vốn ngoại ngữ vững vàng để sẵn sàng hội nhập.

Bắt kịp xu thế này, nhiều cơ sở giáo dục ĐH, CĐ quy định, bên cạnh chuẩn đầu ra về chuyên môn, SV còn phải đạt được trình độ ngoại ngữ nhất định. ThS.Lê Văn Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu dẫn chứng: Đơn cử như với ngành du lịch, hiện nay, tại Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, có 4 ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc) để SV lựa chọn trong quá trình học. Khi ra trường, các em phải đạt chuẩn đầu ra cả về chuyên môn và ngoại ngữ để có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

 

 


Số lượt đọc: 2917 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác