Cảnh giác trước cạm bẫy của tội phạm mua bán người
26/11/2020

Với những thủ đoạn không mới, nhưng nhiều cô gái trẻ vẫn sập bẫy của tội phạm mua bán người. Nhiều phụ nữ đã phải sống quãng thời gian tủi nhục. Một số may mắn trở về với gia đình nhưng cũng phải chịu những tổn thương tinh thần nghiêm trọng. 

Cán bộ Phòng CSHS (PC02)-Công an tỉnh phổ biến phương thức, thủ đoạn của đối tượng mua bán người cho HS trường Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: VĂN ANH

CHỈ VÌ HÁM LỢI 

Ngày 9/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã bắt Võ Thị Hồng Liên (SN 1983, trú tại huyện Đất Đỏ), bị truy nã về tội “mua bán người”. Liên là bị can trong đường dây đưa phụ nữ bán sang Trung Quốc do Nguyễn Thị Hiên (SN 1985, quê Bến Tre) cầm đầu đã bị lực lượng BĐBP tỉnh phát hiện vào năm 2015. Ngày 30/3/2016, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Hiên 6 năm tù, Loan và Hải mỗi người 5 năm tù về tội “mua bán người”.

Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2012, Nguyễn Thị Hiên lấy chồng là người Trung Quốc. Tại đây, Hiên có quen biết với Liên, cũng lấy chồng Trung Quốc. Tháng 4/2015, Hiên nhờ Liên tìm phụ nữ Việt Nam để đưa sang Trung Quốc gả bán. Nếu giao dịch thành công, Hiên đưa cho Liên 60 triệu đồng/người, trong đó 30 triệu đồng cho nạn nhân, số tiền còn lại do Liên tự phân chia trong đường dây của mình.

Liên móc nối với Vũ Thị Kim Loan (SN 1968, trú tại huyện Đất Đỏ) và Nguyễn Thị Hải (SN 1982, trú tại TP.Vũng Tàu) tìm những cô gái Việt có nhu cầu lấy chồng Trung Quốc. Loan và Hải đã liên hệ chị L.T.B.H. (SN 1984, trú huyện Đất Đỏ) có hoàn cảnh khó khăn và dụ dỗ chị này sang Trung Quốc kết hôn, sẽ được trả 30 triệu đồng. 

Ngày 7/5/2015, chị H. được đưa qua Trung Quốc và được giới thiệu một người đàn ông 46 tuổi, để làm chồng, nhưng chị H. đổi ý và đòi về Việt Nam. Sau đó, Hiên yêu cầu chị H. phải trả phí là 35 triệu đồng mới cho về. Để có cơ hội bỏ trốn, chị H. giả vờ đồng ý lấy người đàn ông Trung Quốc, nhưng yêu cầu Hiên phải cho mình về Việt Nam đón con qua ở cùng. Cùng lúc, chị H. đã nhờ gia đình thông báo với cơ quan công an.

Ngày 17/5/2015, khi Hiên đưa chị H. về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) thì bị lực lượng BĐBP tỉnh phối hợp với an ninh sân bay bắt giữ. Hải và Loan cũng nhanh chóng bị bắt. Thời điểm đó, do Liên đang ở Trung Quốc nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BR-VT đã ra quyết định truy nã và phối hợp với Công an nước bạn truy bắt.

Trước đó, ngày 9/9, TAND tỉnh xét xử và tuyên phạt Nguyễn Thị Quyên (SN 1976, quê Bạc Liêu) 6 năm tù về tội “mua bán người”. Theo hồ sơ vụ án, vào cuối tháng 3/2018, Quyên cùng chồng đến TP.Vũng Tàu du lịch. Trong thời gian nghỉ dưỡng tại đây, Quyên thường xuyên đến nhà bà Đinh Thị Nhân chơi. Biết con gái bà Nhân là chị N.T.M.H (SN 2000) đang nuôi con nhỏ, vay tiền nhiều người nhưng không có khả năng trả nợ, Quyên nảy sinh ý định dụ chị H. bán sang Trung Quốc nhằm hưởng lợi. Quyên liên hệ Nguyễn Thị Ngọc Hà (SN 1996), con gái Quyên, lấy chồng, sinh sống tại Trung Quốc để thỏa thuận mua bán H. 

Luật sư Vũ Anh Thao, đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đã quy định xử phạt nặng tội mua bán người, tùy hành vi và trường hợp phạm tội cụ thể, sẽ bị xử phạt tù từ 5-20 năm; Phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, bị xử phạt tù từ 7-20 năm, hoặc tù chung thân.

Khoảng đầu tháng 4/2018, Quyên đưa H. đến TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh giao cho các đối tượng chưa rõ nhân thân lai lịch để đưa sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. H. bị gả bán cho 1 người đàn ông tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Ngày 24/4/2018, như đã thỏa thuận, con gái Quyên đã chuyển vào tài khoản của mẹ mình số tiền gần 106 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng có được từ việc dụ H. giao sang Trung Quốc. Quyên đưa cho gia đình H. số tiền 55 triệu đồng và hưởng lợi bất chính 15 triệu đồng. 

Sau đó, H. nghi ngờ mình bị Quyên và Hà lừa bán nên đã liên lạc qua mạng xã hội để nhờ mẹ ruột tố giác hành vi của Quyên cùng con gái. Đồng thời, nhờ sự giúp đỡ của người dân Việt Nam tại Trung Quốc để giải cứu mình. Ngày 14/12/2019, thông qua Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc, H. đã được giải cứu, trở về Việt Nam. 

Trên đây chỉ là 2 trong số 13 vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2016-2020, với 22 đối tượng phạm tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi bị khởi tố và xét xử. 

CẢNH GIÁC VỚI CÁC THỦ ĐOẠN

Theo cơ quan công an, phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Cụ thể như các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, sim rác, Facebook, Zalo… dùng hình ảnh giả để kết bạn, làm quen với nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, lao động phổ thông để tán tỉnh, giả vờ yêu đương hoặc hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao để lừa nạn nhân ra nước ngoài bán làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, bị bóc lột sức lao động hay nô lệ tình dục.

Đối tượng bọn tội phạm nhắm đến đa phần là những phụ nữ trẻ có gia cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định. Mọi chi phí, thủ tục đưa đi nước ngoài đều do đối tượng cầm đầu bỏ ra, nếu nạn nhân không chấp nhận bán mình, muốn trở về nước thì phải trả lại chi phí cao hơn nhiều lần số tiền ban đầu. Đa phần nạn nhân đều cam chịu và không biết cách trốn về Việt Nam; một số trốn được về nước, hoặc được giải cứu thì hầu hết đều bị tổn thương về thể chất, sang chấn về tâm lý. Một dạng nữa là một số nạn nhân bị bán ra nước ngoài lấy chồng, sau đó trở về Việt Nam đã tìm cách dụ dỗ phụ nữ khác bán đi nước ngoài, trở thành người tiếp tay hoặc cầm đầu đường dây mua bán người.

Theo Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh, trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ để đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, cơ quan công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường và trong cộng đồng về phòng chống tội phạm, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng”.

 

 


Số lượt đọc: 2786 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác