Đến thăm nhà Chị Nguyễn Thị Lê vào một buổi chiều. Nhìn đôi tay thoăn thoắt luồn từng cọng lục bình vào nhau để đan chiếc giỏ lục bình mới thấy được sự đam mê của chị giành cho nghề này. Chị cho biết: “Vào năm 2013, UBND xã cho mở lớp dạy đan lát để tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Tôi đã theo học khóa học này trong vòng 3 tháng. Sau khi có thể làm ra sản phẩm, tôi đã đứng ra nhận hàng từ công ty về cho chị em phụ nữ trong thôn làm để tăng thu nhập, vừa tạo công ăn việc làm cho bản thân để có tiền trang trải cho cuộc sống. Từ khi đan mặt hàng thủ công mỹ nghệ này, cuộc sống gia đình được ổn định. Ban đầu làm chưa quen tay nên thao tác còn chậm, sau thời gian làm riết rồi quen tay. Bình quân mỗi tháng tôi cũng kiếm được trên 3 triệu đồng từ nghề này”.
Thôn Phước Cường chỉ có 85 hộ dân, chủ yếu làm nghề cạo mủ cao su. Sau thời gian làm việc chị em đều ở nhà. Từ khi có công việc này chị em đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi nhận hàng về làm tại nhà. Thu nhập bình quân mỗi người một tháng cũng được khoảng 2-3 triệu đồng. Đến nay đã có mười hai người tham gia. Nhờ nghề này mà gia đình các chị em có thêm khoản tiền kha khá, để trang trải chi phí sinh hoạt.
Chị Nguyễn Thị Lê chia sẻ “Các chị ở đây không phải ai cũng tham gia lớp học nghề, nên chị phải dạy nghề lại cho các chị em. Tuy nhiên do các thao tác đan lát lục bình cũng đơn giản nên chỉ một thời gian ngắn các chị em đã tự thực hiện các thao tác đan một cách thuần thục. Thấy chị em đến lấy khuôn, lát về đan ngày một nhiều, các sản phẩm đan ngày càng khéo nên chúng tôi cũng phấn khởi, vì có thể giúp chị em có thêm một công việc phù hợp để cải thiện cuộc sống, góp phần tăng thâm thu nhập cho gia đình”.
Về nguyên liệu để đan giỏ và khuôn để đan là do công ty cung cấp. Sau khi ra sản phẩm sẽ giao lại cho công ty và người làm được hưởng tiền công. Do đó công việc rất ổn định và làm quanh năm. Nhìn chung, nghề đan giỏ lục bình không quá vất vả rất dễ làm, nên người già, trẻ nhỏ có thể làm được. Đặc biệt, nghề này hưởng tiền công theo sản phẩm, nếu ai khéo tay làm nhiều thì được hưởng nhiều. Do đó, mọi người ai nấy đều cố gắng để có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Nghề đan lát lục bình đã giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp người dân có thêm thu nhập. Thời gian tới hy vọng nghề đan lát lục bình này tiếp tục phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại xã Cù Bị”.