Đành rằng mỗi tác phẩm phải hướng đến doanh thu nhưng “Em chưa 18” khác gì một bộ phim Mỹ nói tiếng Việt. Từ bối cảnh đến tình tiết đều xa lạ với xã hội hôm nay, thì giá trị nghệ thuật của “Em chưa 18” khá mờ mịt để được tôn vinh ở một lễ hội điện ảnh quốc gia.
Ban giám khảo cũng có lý do để trao giải cho bộ phim “Em chưa 18”, vì cách chấm điểm công khai rồi cộng lại từ 9 thành viên. Mỗi giám khảo cho điểm riêng, tổng điểm của bộ phim “Em chưa 18” cao nhất thì đoạt được Bông Sen Vàng.
Đáng tiếc, để phân tích bộ phim “Em chưa 18” sao cho thỏa đáng với vị trí Bông Sen Vàng, thì không có giám khảo nào đủ khả năng thuyết phục những người yêu điện ảnh.
Bộ phim “Em chưa 18” bắt chước loạt phim “High School Musical" của Disney Channel từ cách xây dựng tình huống đến phong cách âm nhạc. Những buổi tiệc tưng bừng ở trường quốc tế cùng với sự bầu chọn nhân vật sang trọng nhất, đều mô phỏng những nhà làm phim Hollywood.
Chính nhà sản xuất bộ phim vừa được trao giải Bông Sen Vàng là Charlie Nguyễn cũng thừa nhận: “Nhiều người khen “Em chưa 18” tuy hài nhưng không nhảm. Nhưng với tôi, nó lại rất nhảm. Vấn đề ở đây là việc tôi quan niệm “nhảm” khác với khái niệm công chúng mặc định bấy lâu nay. Với “Em chưa 18”, chúng tôi không bán phim, chúng tôi bán giấc mơ. Chính vì vậy, chúng tôi tạo nên câu chuyện có màu sắc “xa hoa” cả về vật chất lẫn tinh thần như một lời gợi nhắc. Người xem đâu đó có thể nhìn thấy họ và cả giấc mơ thuở bé của mình trong phim. Làm phim với nội dung khá Tây nhưng chúng tôi lại muốn nhắm đến khán giả Việt”.
Còn đạo diễn Lê Thanh Sơn từng dàn dựng bộ phim “Em chưa 18” cho biết sẽ làm phần tiếp theo với tên gọi “Em trên 18” đầy tham vọng: “Bây giờ tôi muốn cái tiếp theo là một câu chuyện về âm nhạc, trong đó có một cô gái trẻ tuổi, hư hỏng, xuất phát điểm thấp, có ác cảm với xã hội nhưng có niềm đam mê âm nhạc rất mãnh liệt”.
Bán được vé là một trong những tiêu chí của việc làm phim. Tuy nhiên, nếu xem tiền là mục đích duy nhất của điện ảnh thì sẽ tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa. Tại cuộc hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam 2017, nhà biên kịch Nguyễn Thi Hồng Ngát băn khoăn: “Vẫn còn nhiều phim có kết cấu giản đơn, cách làm hời hợt. Phim chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào thể loại hài hước, kinh dị, khai thác tình yêu tay ba éo le, những chuyện giật gân, câu khách. Hiếm nhà sản xuất dám đầu tư những đề tài nghiêm túc, có giá trị nghệ thuật".
Còn đạo diễn Đức Thịnh không ngần ngại chia sẻ: "Các nhà sản xuất phim thương mại luôn e ngại những dự án ít tính giải trí dù có đề tài và nội dung có tính xã hội, dân tộc cao vì những dự án này thuộc típ khó bán vé. Điều này khiến phim chỉ loay hoay chỉ với vài mảng đề tài đơn điệu. Để các nhà sản xuất mạnh dạn dấn thân vào các mảng đề tài có tính xã hội cao, có tầm ý nghĩa dân tộc. Tôi nghĩ cần sự chung tay của Nhà nước và các đơn vị liên quan. Ví dụ các nhà phát hành, cụm rạp cần có sự bảo trợ nhất định với dòng phim này như một san sẻ rủi ro doanh thu. Như hỗ trợ về suất chiếu, giờ chiếu và thời gian chiếu. Đồng thời có tỷ lệ ăn chia hợp lý hỗ trợ thật sự cho các dạng phim này. Nếu doanh thu tốt thì còn gì bằng. Còn nếu không thì nhà sản xuất cũng thấy được san sẻ để có thể tiếp tục với dự án khác hơn là bỏ cuộc luôn".
Để có một thị trường điện ảnh lành mạnh, cần khuyến khích nhiều xu hướng sáng tạo. Thế nhưng, nếu tất cả các phim làm ra đều cùng một công thức hài - nhảm rập khuôn theo nước ngoài thì chúng ta chỉ có một thị trường điện ảnh lưỡng lự trưởng thành kiểu “Em chưa 18”, và còn lâu Việt Nam mới có được một nền công nghiệp điện ảnh!