Cú hích tái cơ cấu nông nghiệp
18/01/2016

Cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT và ADB đã tổ chức hội nghị khởi động Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (viết tắt là VnSAT).

* Tổng nguồn vốn 6.472 tỉ đồng Với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới 301 triệu USD, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (ADB) sẽ bổ sung nguồn lực nhằm tạo cú hích mạnh mẽ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh ra mắt BCĐ Dự án VnSAT

 

Theo đó, dự án có tổng nguồn vốn đầu tư 301 triệu USD (tương đương 6.472 tỉ đồng), trong đó vốn ODA vay của ADB chiếm 78,8% (tương đương 5.100 tỉ đồng) sẽ chính thức được khởi động từ năm 2016. Mục tiêu của dự án VnSAT sẽ góp phần triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung vào việc đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở hai vùng SX hàng hóa chủ lực của Việt Nam là ĐBSCL và Tây Nguyên. Tăng thu nhập cho người trồng lúa Là ngành hàng XK chủ chốt của nông nghiệp, từ khi Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp được Chính phủ phê duyệt đến nay, ngành lúa gạo Việt Nam đã rốt ráo triển khai nhiều giải pháp như tiếp tục tìm kiếm thị trường, chuyển đổi các diện tích SX lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, theo dõi sát và có chỉ đạo đẩy mạnh SX vào giai đoạn thị trường lúa gạo thế giới có tín hiệu tốt, tiếp tục các giải pháp kỹ thuật giúp hạ giá thành SX... Tuy nhiên, có thể nói khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đang là vấn đề lớn. Đây cũng là thực trạng để Chính phủ xác định tập trung nguồn lực cho ngành hàng then chốt này, trong đó dự án VnSAT sẽ là nguồn lực quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam. Theo đó, VnSAT sẽ tập trung cho ngành lúa gạo từ nay đến năm 2020 bằng hàng loạt nhóm giải pháp gồm: Hỗ trợ áp dụng công nghệ SX và quản lí lúa gạo tiên tiến; tăng cường đầu tư tư nhân vào SX và chế biến lúa gạo chất lượng cao; nâng cao hiệu quả dịch vụ công hỗ trợ cho SX, chế biến và XK lúa gạo… Theo kế hoạch, dự án sẽ tiếp tục đào tạo kỹ thuật áp dụng “3 giảm 3 tăng” cho tất cả nông dân trồng lúa (khoảng 140 nghìn hộ với trên 200 nghìn ha) tại các huyện trọng điểm tại ĐBSCL (khoảng 120 điểm tại 30 huyện), kết hợp với các chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi căn bản hành vi và tập quán SX lúa trong 5 năm tới.

 

VnSAT đặt mục tiêu giúp giá trị SX vùng lúa ĐBSCL tăng thêm từ 40 – 60 triệu USD/năm

 

Đến năm thứ 3 của dự án, phấn đấu có từ 70 – 75% số nông dân được đào tạo sẽ áp dụng “3 giảm 3 tăng”. Sau đó, dự án sẽ hỗ trợ nông dân thành lập hoặc tăng cường năng lực cho các HTX hoặc tổ chức nông dân để tiếp tục phát triển từ “3 giảm 3 tăng” lên công nghệ “1 phải 5 giảm” với diện tích trên 100 nghìn ha lúa. Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2015 mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Mặc dù Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 6/2013, tuy nhiên một trong những khó khăn lớn khi triển khai đó là nguồn lực đầu tư cho tái cơ cấu gần như chưa có sự thay đổi so với trước. Vì vậy có thể nói, VnSAT là một trong những dự án đã kịp thời bổ sung nguồn lực, kỳ vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu nhanh và hiệu quả hơn. Tại hội nghị khởi động dự án, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: VnSAT là dự án có kinh phí, quy mô thực hiện lớn nhất cho ngành trồng trọt từ trước đến nay, có thể tạo nên cú hích mạnh mẽ cho ngành lúa gạo và cà phê. Sở dĩ dự án ưu tiên cho hai ngành hàng này bởi đến nay, đây vẫn là hai ngành hàng chủ chốt, giá trị XK lớn, có đông đảo nông dân tham tại hai vùng nông nghiệp chủ lực quan trọng của đất nước là ĐBSCL và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ các tổ chức nông dân nhân giống xác nhận, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ SX, luân canh cây trồng và tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Mỗi tổ chức nông dân sẽ được hỗ trợ khoảng 400 nghìn USD với quy mô 500 – 1.000 hộ dân trồng lúa. Đối với tiêu thụ, sẽ hỗ trợ tạo mối liên kết giữa các tổ chức nông dân tiên tiến với các DN nhằm cải thiện và phát triển thị trường lúa gạo chất lượng cao/đặc sản thông qua hợp đồng, xây dựng thương hiệu… với mục tiêu có khoảng 53 nghìn hộ dân áp dụng “1 phải 5 giảm” được liên kết với DN bằng hợp đồng mua bán. Các DN chế biến và SX lúa gạo tham gia chuỗi liên kết sẽ được dự án bố trí ưu tiên các khoản vay thương mại để đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng gạo. Nhằm hỗ trợ SX lúa gạo, dự án sẽ hỗ trợ tài chính và các nguồn lực cần thiết để tăng cường năng lực cho các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT các tỉnh nhằm xây dựng một số mô hình điểm về tái sử dụng các phế phụ phẩm ngành lúa gạo (rơm, rah, trấu…) phục vụ SX các sản phẩm có giá trị như nấm, phân hữu cơ vi sinh, chất đốt, thức ăn chăn nuôi… Với hàng loạt các nhóm giải pháp này, dự án VnSAT đặt mục tiêu tới năm 2020, sẽ có khoảng 200 nghìn ha lúa tại 8 tỉnh trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang), với trên 140 nghìn hộ dân áp dụng công nghệ SX lúa tiên tiến, giúp lợi nhuận tăng thêm 30%, tổng giá trị SX toàn vùng tăng thêm từ 40 – 60 triệu USD/năm. Cùng với gia tăng giá trị SX, dự án sẽ làm giảm tác động tiêu cực của SX lúa đối với môi trường thông qua giảm nước tưới, phân bón và thuốc BVTV. Tăng thêm giá trị cà phê Tây Nguyên 48 – 50 triệu USD/năm Cùng với lúa gạo, cà phê sẽ là cây trồng mà dự án VnSAT ưu tiên hỗ trợ năng lực SX nhằm tạo ra bước đột phá trong 5 năm tới, với mục tiêu sẽ có khoảng 69 nghìn ha cà phê của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên (gồm Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng) được áp dụng canh tác bền vững, bằng công nghệ tiên tiến. Thu nhập của khoảng 63 nghìn hộ nông dân tham gia canh tác bền vững và tái canh cà phê tăng khoảng 20%; lợi nhuận tăng thêm khoảng 15 triệu đồng/ha so với việc không áp dụng canh tác bền vững và không tái canh, nâng tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng cà phê Tây Nguyên khoảng từ 48 – 50 triệu USD/năm (khoảng 242 – 250 triệu USD cho 5 năm 2016 – 2020), đồng thời giúp lợi nhuận này duy trì trong suốt chu kỳ kinh doanh cà phê (từ 20 – 25 năm).

Để thực hiện những mục tiêu này, VnSAT sẽ tiến hành tập huấn về nông học và quản lí cà phê bền vững cho khoảng 63 nghìn hộ trồng cà phê ở 12 huyện trọng điểm trong vùng, trong đó khoảng 9.000 hộ tham gia tái canh trên diện tích khoảng 10 nghìn ha. Đồng thời, tài trợ một phần kinh phí để xây dựng hạ tầng công cộng thiết yếu cho vùng SX cà phê trọng điểm, nhất là hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm và hoạt động sơ chế nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch…; hỗ trợ thành lập khoảng 162 HTX hoặc tổ chức nông dân nhằm tăng cường năng lực SX cũng như tiêu thụ sản phẩm, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh… Để tái canh cà phê bền vững, dự án sẽ cung cấp các khoản vay dài hạn cho nông dân thông qua các ngân hàng thương mại, cung cấp các gói đào tạo kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực thẩm định và giải ngân vốn vay của ngân hàng cho nông dân… Trong tổng mức đầu tư 301 triệu USD của dự án, vốn phi tín dụng là 196 triệu USD (chiếm 65,1%) và vốn tín dụng là 105 triệu USD (chiếm 34,9%, được ngân hàng BIDV vay lại thông qua Bộ Tài chính để cho vay ưu đãi hỗ trợ DN nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến lúa gạo và tái canh cà phê).  Cùng với hỗ trợ phát triển lúa gạo và cà phê, VnSAT cũng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực, thể chế thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cho Bộ NN-PTNT và các tỉnh triển khai dự án, các đối tác trong chuỗi giá trị như Hiệp hội ngành hàng... Ngoài 13 tỉnh trọng điểm trồng lúa và cà phê, dự án cũng sẽ hỗ trợ triển khai tại 7 tỉnh được lựa chọn thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp gồm Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Tháp và Lâm Đồng.


Số lượt đọc: 1291 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác