Trồng măng tây trên đất cát
08/02/2019

Với diện tích hơn 1.000m2, những bụi măng tươi tốt, xanh mướt uyển chuyển trong gió, ai ngang qua cũng trầm trồ khen vườn măng tây…

 

Ông Đệ bên vườn măng tây

 

“Mỗi nghề đều có một cơ duyên” đó là câu nói của ông Nguyễn Đệ (1967, trú tại khối phố Tân Khai, phường Điện Dương, TX Điện Bàn, Quảng Nam). Từ một hộ nông dân nghèo, nuôi 4 đứa con ăn học, vợ mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng với ý chí vươn lên làm giàu, ông Đệ đã trở thành một hộ nông dân tiêu biểu trong vùng, với mô hình trồng măng tây trên đất cát. Đầu năm 2015, khi biết vợ mắc bệnh ung thư, hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh tế bấp bênh, phải nuôi con học đại học, nhiều lúc ông rơi vào bế tắc. Nhưng với tình yêu thương vợ, với ý chí vươn lên, ông đã tìm hiểu qua sách, báo, truyền hình... về mô hình trồng măng tây. Qua những tháng ngày hy vọng, ra sức chăm sóc, ông đã thành công với mô hình này. Theo ông, động lực chính để chữa trị căn bệnh ung thư quái ác, kéo dài sự sống cho vợ chính là cây măng tây. Măng tây có ba loại xanh, trắng và đỏ. Trong đó, măng tây xanh còn gọi là “rau vua” trên thị trường quốc tế, là thực phẩm chức năng với hàm lượng dinh dưỡng cao, chữa được rất nhiều loại bệnh như tim mạch, đái tháo đường, dạ dày, đặc biệt là các loại bệnh ung thư. Theo ông Đệ, khác với những loại cây trồng trên đất cát, cây măng tây mang đặc điểm riêng. Đây là loại cây yếu ớt, đỏng đảnh, kén chọn thổ nhưỡng. Khi trồng cây này phải chú ý đến kỹ thuật chăm sóc, giống, đất sạch, nước sạch và luôn giữ ẩm. Măng tây là loại cây ưa ánh sáng, không thích hợp trồng dưới bóng râm. Đất trồng phải có độ phì cao, tơi xốp, độ pH từ 6 - 7 là tốt. Măng tây phù hợp với các loại đất đỏ bazan, đất phù sa, đất cát. Có thể trồng 2 vụ/năm. Trong đó, nước là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến năng suất của loài cây này. Tốt nhất là tưới vào buổi sáng sau khi thu hoạch măng và buổi chiều tối. Ngoài ra phải chú ý đến nguồn phân bón, chủ yếu là phân chuồng, không nên sử dụng phân hóa học nhiều. Mặt trời lên cao dần, vườn măng tây của ông Đệ xanh ngắt một màu dưới cái nắng miền Trung. Nhìn dáng người thấp bé của ông đang lúi húi chăm bón những bụi măng, chúng tôi thầm cảm phục ý chí và nghị lực của người nông dân này. Có lẽ, cuộc đời sẽ có những lúc thăng trầm, nhưng cứ cố gắng, cứ nỗ lực rồi mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Với diện tích hơn 1.000m2, những bụi măng tươi tốt, xanh mướt uyển chuyển trong gió, ai ngang qua cũng trầm trồ khen vườn măng nhà ông. Măng tây trồng khoảng 6 tháng có thể thu hoạch được. Tuổi thọ của cây kéo dài từ 6 - 7 năm. Khi mụt măng lên cao từ 25 - 30cm là có thể cắt bán, nếu để cao hơn nữa măng sẽ bị già và hàm lượng dinh dưỡng sẽ ít dần. Thu hoạch tốt nhất là buổi sáng sớm. Ông Đệ bán với giá từ 120.000 - 150.000 đ/kg. Mỗi ngày bán ra khoảng 3 - 5kg. Hiệu quả cao hơn so với những loại cây trồng mà ông đã thử nghiệm trước đây. Măng tây là thực phẩm dễ chế biến, giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là khách Tây rất thích. Những nhà hàng, khách sạn gần đó thường đặt hàng của ông Đệ, điều này đã thôi thúc ông nhân rộng mô hình. Bên cạnh trồng măng tây, ông Đệ còn phát triển thêm kinh tế hộ gia đình như chăn thêm 5 con bò, 3 lợn nái và trồng 7 sào lúa để nuôi các con ăn học và chữa bệnh cho vợ. Từ tấm gương của ông Đệ, nhìn thấy lợi ích thiết thực từ loại cây này mang lại, nhiều hộ trong vùng cũng đã đến tham quan, học hỏi. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, nhiều bệnh nhân ung thư đã tìm đến tận nhà ông mua loại cây này về chữa bệnh. Ông Đệ chia sẻ: “Khi phát hiện vợ bị bệnh, tôi lâm vào bế tắc, cùng quẫn. Nhưng tự nhủ mình phải đứng lên, vượt qua số phận. Tôi vừa trồng măng tây để phát triển kinh tế, vừa muốn chữa khỏi bệnh cho vợ. Vợ tôi đã qua những cơn đau, bệnh giảm dần. Và vườn măng tây của tôi được nhiều người biết đến. Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích, phát triển mô hình này”.


Số lượt đọc: 1679 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác