Kỹ thuật trồng giống lạc chay trắng
07/02/2019

Lạc chay trắng có đặc điểm thân đứng, tán gọn, mảnh cây, cao cây trung bình. Quả to, có eo và gân quả trung bình, vỏ quả mỏng, vỏ lụa màu hồng.

 

Mô hình thử nghiệm nhân giống lạc mới

 

Đây là giống lạc được Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tuyển chọn từ nguồn giống lạc địa phương của tỉnh Nghệ An. Lạc chay trắng có đặc điểm thân đứng, tán gọn, mảnh cây, cao cây trung bình. Quả to, có eo và gân quả trung bình, vỏ quả mỏng, vỏ lụa màu hồng. Khối lượng 100 quả đạt 140 gram, khối lượng 100 hạt đạt 55 gram. Tỷ lệ nhân/quả đạt cao (trên 70%), chất lượng tốt, ăn ngon. Năng suất vụ thu đông đạt trung bình 2 tấn/ha. - Đất trồng: Lạc chay trắng có thể trồng được trên đất đồi, đất ruộng vàn cao, đất bãi có thành cơ giới nhẹ, đất cát pha, đất thịt nhẹ, thoát nước tốt. Với đất ruộng thấp cần lên luống rộng 100cm (cả rãnh), cao 20 - 25cm. Trên mặt luống rộng 70cm xẻ 2 rãnh sâu 10 - 15cm theo hàng dọc cách nhau 40cm để bón phân lót và gieo hạt. Với đất bãi ven sông có thể gieo thành từng băng, hàng cách hàng 40cm. Trên đất đồi nên gieo theo đường đồng mức, hàng cách nhau 40cm. - Thời vụ: Vụ xuân gieo từ 15/1 - 20/2, vụ thu đông gieo từ 15/8 - 15/9. - Lượng phân bón: Tổng lượng phân (tính cho 1 ha) bao gồm: 10 tấn phân chuồng (hoặc 500kg phân vi sinh) + 60kg đạm urê + 450kg supe lân + 60 kg kali clorua + 300kg vôi bột. - Bón phân: Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng, phân lân và vôi bột với ½ lượng phân đạm urê, ½ lượng phân kali bằng cách rải đều phân vào các rãnh đã rạch sẵn, sau đó lấp một lớp đất dày 2 - 3cm trước khi gieo hạt. - Gieo hạt: Có thể ngâm và ủ cho hạt nứt nanh trước khi gieo hoặc nếu đất khô thì tưới nhẹ cho đất vừa đủ ẩm rồi gieo hạt khô nhằm đảm bảo tỷ lệ nẩy mầm cao. Trên hàng gieo hốc cách nhau 15 cm, mỗi hốc gieo 2 hạt, đảm bảo mật độ đạt 30 cây/m2 sẽ cho năng suất cao nhất. Gieo xong phủ lên một lớp đất mỏng 1 - 2cm. - Làm cỏ, bón thúc và vun gốc: Xới cỏ, phá váng lần 1 khi cây có 4 - 5 lá thật (khoảng 20 ngày sau mọc) kết hợp bón thúc nốt lượng phân đạm và kali còn lại bằng cách xới sâu 5 - 6cm sát gốc, bón phân, lấp đất lại nhưng chưa vun gốc. Xới cỏ lần 2 kết hợp vun gốc sau khi cây ra hoa rộ 7 - 10 ngày. - Tưới nước: Nếu có điều kiện về nguồn nước, khi trời hạn nên dẫn nước vào tưới rãnh vào 2 thời kỳ chính, trước khi cây ra hoa (cây có 7 - 8 lá) và thời kỳ làm quả. - Phòng trừ sâu bệnh: Sử dụng các loại thuốc trừ sâu thông thường như Regent, Ofatox... để phun trừ các loài sâu ăn lá. Các loại bệnh thường xuất hiện như rỉ sắt, phấn trắng, héo xanh… dùng Daconil, Anvil, Bayleton, Aliette, Ridomil… phun lần 1 sau gieo 50 - 60 ngày, lần 2 cách lần 1 là 15 ngày.


Số lượt đọc: 1101 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác